Công nghệ sơn tĩnh điện xuất hiện từ những năm 1950 trên thế giới và có những bước phát triển vượt bậc. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, công nghệ sơn tĩnh điện đã phát triển trên nhiều lĩnh vực sản xuất. Trong bài viết này sẽ cung cấp cho người đọc những kiến thức cơ bản về công nghệ này, thực trạng và hướng phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đây là phần 2 trong chuỗi bài viết về ngành Sơn tĩnh điện tại Việt Nam. Đọc phần 1 tại đây: Công nghệ sơn tĩnh điện (Phần 1)
Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về 2 công đoạn đầu tiên trong sơn tĩnh điện là Công đoạn làm sạch bề mặt và Công đoạn sấy khô. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu về các công đoạn còn lại cùng với tiềm năng phát triển của ngành sơn tĩnh điện tại Việt Nam.
Nguyên công sấy lớp sơn lót
Theo quy định, sản phẩm sẽ phải trải qua một công đoạn sơn lót. Sau khi sơn lót, sản phẩm sẽ đi qua buồng sấy để lớp sơn lót này dính bám vào bề mặt vật liệu tốt hơn. Mặc dù vậy, hầu hết các doanh nghiệp cũng bỏ qua công đoạn này, nhằm tiết kiệm vật tư, chi phí sản xuất; hoặc cũng có thể do khách hàng không yêu cầu phải sơn lót.
Sơn hoàn thiện
Sản phẩm được sơn hoàn thiện với hệ thống súng phun tự động đảm bảo độ đồng đều và chất lượng lớp sơn. Tùy theo dây chuyền, doanh nghiệp có thể sử dụng súng phun đơn hoặc súng phun đôi. Chất lượng sơn, màu sắc phụ thuộc vào cách pha tỷ lệ hợp lý. Trước khi sơn, cần kiểm tra bề mặt kim loại phải sạch, không bám bụi bẩn, hệ thống móc treo, băng chuyền. Sản phẩm được treo với khoảng cách tối thiểu cách nhau 100 ÷ 200mm. Đối với công nghệ sơn thủ công, cần tiến hành sơn đúng trình tự: sơn góc cạnh → mặt phẳng→ phía dưới→ phía trên. Đặc biệt chú ý hướng sơn không làm ảnh hưởng đến người đối diện.
(Ảnh: Sơn hoàn thiện)
Sấy định hình và hoàn thiện sản phẩm
Sản phẩm sau sơn tĩnh điện được đưa trở lại buồng sấy định hình. Nguyên công này giúp lớp sơn bám chắc bề mặt, đều màu và đẹp.
(Ảnh: Sấy)
Kiểm tra sản phẩm
Kiểm tra sản phẩm bằng ngoại quan để đánh giá màu sắc, độ dính bám, độ phủ kín. Nếu yêu cầu cao hơn có thể kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng đo chiều dày lớp sơn, độ dính bám,…
(Ảnh: Sản phẩm sau sơn tĩnh điện)
Tiềm năng phát triển của ngành sơn tĩnh điện
Từ những nhận xét ở trên, có thể nhận thấy tiềm năng của ngành sơn tĩnh điện tại Việt Nam rất lớn. Trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn phải đầu tư, hoàn thiện hệ thống sơn tĩnh điện cũng như trang thiết bị phụ trợ. Khi đó, sản phẩm mới vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe để đến với các thị trường Nhật, Mỹ, Châu Âu.
Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh khu vực phía Bắc, số lượng doanh nghiệp trang bị dây chuyền sơn tĩnh điện đồng bộ, tự động nhằm phục vụ nội bộ đang ngày càng tăng lên. Các doanh nghiệp như Công ty TNHH Sản xuất Thiết bị Cơ điện Việt Pháp, Công ty TNHH Cơ khí Seiki Việt Nam, Công ty Cổ phần Hawee Sản xuất và Thương mại...có hệ thống sơn tĩnh điện khá hoàn chỉnh, chủ yếu phục vụ sơn vỏ tủ điện, thang máng, kết cấu kim loại tấm. Sản phẩm của các doanh nghiệp này đã và đang được các khách hàng, đối tác nước ngoài đánh giá rất cao.
Một số doanh nghiệp sản xuất sử dụng hệ thống sơn tĩnh điện khu vực phía Bắc (Doanh nghiệp Việt Nam)
Tác giả: NC Network Vietnam / Nguyễn Hoàng Hạng