Báo cáo ngành 16/06/2023, 15:45

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (Phần 1) - Tổng quan về thị trường

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành công nghiệp ô tô đã được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp ô tô luôn là lĩnh vực được Chính phủ quan tâm, khuyến khích đầu tư phát triển. Nhờ đó, trong những năm qua, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã có những bước phát triển lớn, với việc tăng sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước, và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, những cơ hội và thách thức mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang phải đối mặt cũng không ít. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (Phần 1) - Tổng quan về thị trường

Vai trò của ngành công nghiệp ô tô 

Ô tô được hình thành từ rất nhiều loại linh kiện khác nhau, phân bố trên nhiều bộ phận và hệ thống khác nhau trong xe. Số lượng linh kiện trong một chiếc ô tô có thể lên tới hàng chục nghìn loại khác nhau, được sản xuất bởi nhiều công ty quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), ô tô được xếp vào nhóm các ngành công nghiệp có công nghệ trung bình - cao. Tuy nhiên, các chi tiết cấu thành lại được sản xuất theo dây chuyền công nghệ rất khác nhau, từ công nghệ trung bình thấp (một số sản phẩm ép nhựa đơn giản) đến những công nghệ cao, phức tạp (hộp số, động cơ). Một quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác như kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất, nhựa – cao su, v.v… 

Bên cạnh đó, nếu so sánh với ngành điện tử, có thể thấy các sản phẩm điện tử và phụ tùng, linh kiện đều có đặc điểm là nhỏ, nhẹ, có thể lắp lẫn… nên chi phí vận chuyển (kể cả bằng đường hàng không) không quá khó khăn và tốn kém, nhờ đó các doanh nghiệp đầu chuỗi có thể xây dựng các chuỗi cung ứng có quy mô trải rộng trên toàn cầu để tận dụng lợi thế so sánh của mỗi quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng. Việt Nam có lợi thế về lao động, đất đai, nên những công đoạn thâm dụng lao động được đặt tại Việt Nam, các linh kiện còn lại đều được nhập khẩu để tận dụng tối đa lợi thế so sánh, tối ưu hoá phân công lao động trong chuỗi cung ứng. Ngược lại, ô tô được lắp ráp từ nhiều phụ tùng linh kiện có kích thước lớn, cồng kềnh, dẫn đến chi phí vận chuyển lớn, do vậy các nhà sản xuất thường có xu hướng nội địa hoá, hình thành chuỗi cung ứng trong nước hoặc trong phạm vi khu vực. Khi quy mô thị trường đủ lớn thì các nhà lắp ráp ô tô thường muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá, hình thành mạng lưới nhà cung cấp trong nước...

Có thể nói, việc phát triển ngành công nghiệp ô tô sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất hàng đầu. Do đó, công nghiệp ô tô là một trong những ngành có ảnh hưởng lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế quốc dân.

Thị trường đạt mức đột phá trong năm 2022

Trong giai đoạn 2010-2014, doanh số ô tô toàn thị trường Việt Nam chỉ đạt mức trung bình 120.000 - 150.000 chiếc/năm. Thị phần lớn nhất thuộc về các thương hiệu xe của Nhật Bản, Hàn Quốc như Toyota, Mazda, Kia. Nhưng đến giai đoạn 2015-2020, doanh số ô tô tăng mạnh lên mức trên dưới 300.000 chiếc/năm. Trong đó, xe sản xuất, lắp ráp trong nước ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng với mức tăng trưởng từ 15-20%/năm. Khi đó, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam cần phải giải quyết được bài toán về dung lượng thị trường. Chỉ khi nào doanh số bán hàng đạt mốc ít nhất 500.000 chiếc, đồng thời xuất hiện những mẫu xe đạt doanh số trên 30.000 chiếc/năm thì Việt Nam mới thực sự có cơ hội trở thành thị trường ô tô lớn của Đông Nam Á.

Nhìn sang những nước lân cận, khi quy mô thị trường trong nước còn nhỏ, Thái Lan và Indonesia đã phá vòng luẩn quẩn này bằng cách phát triển dòng xe chiến lược để tạo quy mô thị trường, hình thành chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển ngành, dòng xe chiến lược (chủ lực) cũng được đưa ra thảo luận, nhưng không đạt được sự đồng thuận. Như vậy, khi đó, trong khi thị trường trong nước chưa lớn nhưng Việt Nam không có chính sách phát triển “dòng xe chiến lược”, dẫn đến thị trường bị chia nhỏ giữa các dòng xe.

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đã gây gián đoạn và ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng của tất cả các ngành sản xuất trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là công nghiệp ô tô do tính phức tạp và đa dạng của chuỗi cung ứng, và công nghiệp ô tô Việt Nam tuy non trẻ nhưng cũng không tránh khỏi tầm ảnh hưởng. Để hạn chế rủi ro từ những cú sốc tương tự như đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đầu chuỗi đã phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng linh hoạt hơn, bền vững hơn, và có sức chống chịu tốt hơn. Nhờ đó, hai năm sau đại dịch, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có những bước phục hồi, nhận được tín hiệu đáng mừng khi kết quả báo cáo ngành ô tô năm 2022 được công bố. Theo số liệu công bố của VAMA, TC Group, và VinFast, tổng doanh số ô tô toàn thị trường Việt Nam đã đạt trên 510.000 chiếc, mức kỷ lục từ trước đến nay. Với việc tháo gỡ nút thắt về dung lượng thị trường tồn tại từ nhiều năm qua, Việt Nam đã “bước một chân” vào thị trường ô tô lớn của khu vực Đông Nam Á, thu hẹp dần khoảng cách với các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Malaysia. 

Đọc tiếp >> Phần 2

NC Network Việt Nam / Anh Trí
Chia sẻ

Đăng ký nhận thêm thông tin