Báo cáo ngành 08/03/2024, 10:05

Ngành ép nhựa Việt Nam: Tổng quan và xu hướng

Ở Việt Nam, do sự gia tăng dân số và thu nhập, lối sống của người dân cũng dần thay đổi, điều này dẫn đến sự phát triển của thị trường bao bì nhựa và nhựa gia dụng. Đồng thời, do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, thị trường nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật cũng đang từng bước phát triển. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về ngành công nghiệp ép nhựa và xu hướng thị trường ép nhựa tại Việt Nam.

Ngành ép nhựa Việt Nam: Tổng quan và xu hướng

Tổng quan ngành 

Ngành ép nhựa là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại Việt Nam hiện nay. Một trong những lý do đó là sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và dân số trẻ đông đảo trong một xã hội tiêu dùng. Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam tăng trưởng đều qua các năm, từ 3 tỉ USD trong năm 2018 lên đến 5,5 tỉ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình 12-20%. Sản lượng nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng trưởng từ 5,589 triệu tấn trong năm 2018 lên 7,12 triệu tấn trong năm 2022. Hiện ngành nhựa Việt Nam có gần 4.000 doanh nghiệp, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng doanh thu toàn ngành đã đạt trên 25 tỉ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 22%.

Các doanh nghiệp này đang sản xuất một số lượng lớn các sản phẩm nhựa phục vụ cho nhiều ngành nghề, từ các sản phẩm nhựa dùng trong đời sống hàng ngày cho đến các sản phẩm nhựa dùng trong sản xuất công nghiệp. Nhìn chung có thể chia sản phẩm nhựa ra thành 4 nhóm lớn là Nhựa bao bì, Nhựa gia dụng, Nhựa xây dựng và Nhựa kỹ thuật.

Nhựa bao bì

Bao bì đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, quảng bá sản phẩm. Trong số nhiều loại vật liệu đóng gói, nhựa là một trong những loại vật liệu được sử dụng rộng rãi nhất. Bao bì nhựa có giá trị gia tăng thấp, nhưng chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất của ngành nhựa tại Việt Nam.

Bao bì nhựa được sử dụng nhiều trong các ngành như thực phẩm, đồ uống, gia vị, thuốc trừ sâu, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, và cả trong lĩnh vực đóng gói linh kiện điện tử. Cụ thể, các loại bao bì như túi/màng nhôm chống tĩnh điện được sử dụng để bảo quản linh kiện điện tử và chống tĩnh điện.

Các vật liệu nhựa thông thường được sử dụng trong sản xuất bao bì nhựa là PET, HDPE, LDPE, PP, PS. Giống như các ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp bao bì nhựa cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguyên liệu trong nước, do đó phải phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu từ nước ngoài. Hơn nữa, hầu hết các thiết bị máy móc như máy ép phun, máy ép màng, máy ép đùn cũng được nhập khẩu từ nước ngoài. Nguyên liệu thì chủ yếu được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Mỹ, Trung Đông và các quốc gia khác, trong khi các thiết bị máy móc được nhập khẩu giá rẻ từ Đài Loan và Trung Quốc.

Nhựa gia dụng

Việc tiêu thụ sản phẩm từ nhựa trong cuộc sống hàng ngày thường được phân loại theo các xu hướng chính sau đây:

  • Tầng lớp thu nhập thấp hoặc tại các hàng quán bình dân thường tiêu thụ các sản phẩm giá rẻ, không quan trọng đến chất lượng hay nơi sản xuất.
  • Tầng lớp thu nhập trung bình quan tâm hơn đến chất lượng, nhưng cũng cân nhắc đến giá cả. Họ thường lựa chọn các sản phẩm nhựa bình thường hoặc hàng nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc Thái Lan (thường được bán với mức giá đồng nhất tại siêu thị, cửa hàng trực tuyến hoặc các cửa hàng chuyên hàng nhập khẩu với mức giá khoảng 39,000 đồng, 79,000 đồng).
  • Tầng lớp thu nhập cao hoặc những người quan tâm đến vấn đề sức khỏe thường chọn các sản phẩm từ nhựa cao cấp. Họ đặc biệt chú trọng vào tính an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe người sử dụng, bên cạnh đó là các yếu tố như thân thiện với môi trường, độ bền và tính tiện ích.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất các sản phẩm nhựa gia dụng có giá trị thấp - trung bình. Các sản phẩm nhựa thông thường được sản xuất và tiêu thụ nội địa bao gồm bàn ghế, đồ ăn uống, xô, v.v., thường được phân phối qua các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa và một số siêu thị.

Đã có một khoảng thời gian ngành này bị thống trị bởi các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc hoặc Thái Lan. Tuy nhiên, trong vài năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện chất lượng và thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tích cực quảng bá hơn trên thị trường nội địa.

Nhựa xây dựng

Các vật liệu xây dựng từ nhựa được chia thành hai loại chính là ống nhựa và các vật liệu khác (sản phẩm ép trục, cửa nhựa, tấm hợp kim nhôm nhựa, tấm mica, tấm PP, tấm FOMEX, v.v.).

Ống nhựa chủ yếu có kích thước lớn, do đó các sản phẩm nội địa có lợi thế cạnh tranh hơn về chi phí vận chuyển so với các sản phẩm nhập khẩu. Khoảng 95-98% ống nhựa được bán tại Việt Nam là sản phẩm nội địa.

Bên cạnh đó, nhu cầu về các sản phẩm nhựa ép đùn (ví dụ như khung cửa sổ) và cửa nhựa cũng rất cao. Điều này là do hầu hết các công trình như căn hộ chung cư, tòa nhà văn phòng đều sử dụng cửa nhựa. Mặc dù có sự cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc, nhưng với chất lượng và giá cả tốt, các sản phẩm nội địa vẫn chiếm lĩnh thị trường.

Trong quá trình sản xuất ống nhựa, các nhà máy chủ yếu sử dụng thiết bị và dây chuyền sản xuất của Đức và Italia. Bởi vì các sản phẩm như ống nhựa hoặc cửa nhựa đều có kích thước lớn, yêu cầu nhà máy sản xuất rộng lớn và thiết bị sản xuất cỡ lớn, vì vậy chỉ có các nhà sản xuất với tiềm lực tài chính vững chắc mới có khả năng tham gia vào lĩnh vực này.

Nhựa kỹ thuật

Các linh kiện nhựa kỹ thuật là một trong những cấu thành quan trọng trong nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp chế tạo.

Các sản phẩm nhựa kỹ thuật có nhiều loại và kích thước khác nhau, chủ yếu được sử dụng cho ngành công nghiệp ô tô - xe máy, ngành công nghiệp điện tử, sản xuất máy văn phòng, khay đựng linh kiện. Các phương pháp gia công phổ biến tại Việt Nam bao gồm phương pháp ép phun, ép thổi, và ép chân không, với các vật liệu chính là nhựa nhiệt dẻo. Có một số ít công ty thực hiện ép đùn, ép chèn và ép hai màu, và có một số ít công ty nhận đối ứng nhựa nhiệt cứng. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực xung quanh (Bắc Bộ gồm các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Bộ gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An) có nhiều nhà máy của các công ty lớn, và nhờ vào lợi thế địa lý cũng như tiện ích hạ tầng, các doanh nghiệp ép nhựa đã tập trung tại đây.

Ngoài ra, có sự khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam thường sản xuất những linh kiện có kích thước nhỏ ~ trung bình, thì các doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản và Hàn Quốc lại chủ yếu sản xuất các linh kiện siêu nhỏ hoặc linh kiện cỡ lớn. Các nhà sản xuất lớn thường đặt hàng một số linh kiện từ các công ty địa phương, nhưng với các linh kiện có kích thước siêu nhỏ hoặc có hình dạng đặc biệt, hoặc yêu độ chính xác cao thì các công ty nước ngoài vẫn được tin tưởng hơn.

Tại Việt Nam thì máy móc Nhật Bản, Đài Loan hay Trung Quốc được sử dụng rất phổ biến. Bởi vì máy móc thiết bị do Nhật Bản sản xuất thường đắt nên không có nhiều doanh nghiệp ép nhựa trong nước đầu tư thiết bị mới ngay từ đầu. Một công ty thương mại thiết bị ép nhựa của Trung Quốc và có sở hữu một nhà máy đúc nhựa tại Việt Nam chia sẻ như sau: "Máy ép nhựa Trung Quốc là một trong những sản phẩm bán chạy của công ty chúng tôi, tuy nhiên tôi cũng nghĩ rằng cần phải đầu tư mua thiết bị của Nhật Bản để sản xuất các linh kiện có độ chính xác cao, vì thiết bị của Nhật Bản ổn định hơn. Ngoài ra, để giảm thiểu lỗi do con người gây ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp ứng dụng các loại robot và băng tải vào sản xuất. Theo đó, lĩnh vực kinh doanh robot hỗ trợ quá trình đúc nhựa đã mang lại lợi nhuận cho công ty chúng tôi."

Nhiều doanh nghiệp đúc nhựa thực hiện các công đoạn in và sơn ngay tại nhà máy vì các công đoạn này tương đối dễ. Tất nhiên cũng có những doanh nghiệp chuyên sơn nhưng rất hiếm. Các doanh nghiệp sản xuất xe máy hầu hết thực hiện việc sơn ngay trong nhà máy của mình. Ngoài ra cũng có rất ít doanh nghiệp chuyên mạ vì việc này thường phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn môi trường, và nhu cầu về nó cũng không nhiều. Về lắp ráp, các doanh nghiệp ép nhựa cũng thực hiện việc lắp ráp đơn giản nhưng hầu hết doanh nghiệp khách hàng đều tự thực hiện lắp ráp tại nhà máy của mình. Trong tương lai, khi chi phí lao động tại các công ty lớn tăng cao và chênh lệch tiền lương nảy sinh thì có thể nhu cầu thuê ngoài lắp ráp các cụm linh kiện sẽ tăng lên.

Về khuôn ép nhựa, có ba nguồn cung là tự sản xuất, thuê gia công ngoài hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Cũng có trường hợp các doanh nghiệp FDI thuê ngoài các công ty địa phương, nhưng một số doanh nghiệp FDI cho biết họ cảm thấy chưa hài lòng về chất lượng cũng như thời gian giao hàng. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng phản ánh điều tương tự. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, một số doanh nghiệp chuyên sản xuất khuôn ban đầu đã mở rộng sang lĩnh vực ép nhựa. Ngược lại, để bảo đảm tính ổn định trong sản xuất và thời gian giao hàng, nhiều nhà máy ép nhựa đã tự tiến hành việc sản xuất khuôn trong nội bộ.

Một doanh nghiệp ép nhựa Việt Nam đã chia sẻ: "Hiện tại chúng tôi đang đặt hàng gia công khuôn từ bên ngoài nhưng vẫn có kế hoạch tự làm khuôn trong công ty. Lý do là do một số công ty khuôn mà chúng tôi đặt hàng đã làm khuôn mà không hiểu rõ về các yếu tố như sự biến dạng do nhiệt của vật liệu, vậy nên nếu sử dụng khuôn do họ làm ra để sản xuất thì cho ra sản phẩm có tỷ lệ lỗi cao. Chúng tôi đã cố gắng sửa nhiều lần nhưng vẫn không thể cải thiện được, nên cuối cùng chúng tôi đã hủy hợp đồng. Chúng tôi đã mất hàng trăm triệu đồng cho bài học đắt giá này. Sau đó, chúng tôi đã sang Nhật để tìm kiếm các đối tác có thể cung cấp hướng dẫn kỹ thuật, và chúng tôi đã rất ngạc nhiên về kiến thức chuyên sâu của các công ty Nhật Bản mặc dù chỉ là công ty có quy mô nhỏ."

Hiện nay, tại Việt Nam không có trường đào tạo chuyên ngành thiết kế và sản xuất khuôn, tất cả đều dựa trên kinh nghiệm tích luỹ trong công việc.

Vấn đề về nguyên liệu

Hiện nay, Việt Nam nổi lên như một điểm đầu tư ổn định cho các doanh nghiệp nước ngoài, và được coi như một ứng cử viên sáng giá cho chiến lược "China + 1" của các doanh nghiệp. Các công ty ép nhựa Việt Nam ngày càng nhận được nhiều cơ hội để đáp ứng những đơn hàng đa dạng hơn từ các khách hàng quốc tế. Tuy nhiên, một vấn đề khiến cho rất nhiều doanh nghiệp ép nhựa phải chùn chân khi đứng trước những cơ hội lớn như vậy chính là không thể đáp ứng yêu cầu về giá của khách hàng. Một trong những lý do khiến việc cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp Trung Quốc trở nên khó khăn hơn đó chính là do các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhựa nhập khẩu.

Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu nhựa trong nước mới chỉ có thể đáp ứng 30% nhu cầu của các doanh nghiệp ép nhựa, trong đó chủ yếu là nhựa PVC, PET và PP. Các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa. Thị trường nhập khẩu bao gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ như Saudi Arabia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore…

Sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến cho chi phí nguyên liệu tại các doanh nghiệp ép nhựa tăng cao, kéo theo đó là các rủi ro như thay đổi tỷ giá, biến động giá dầu, giá nguyên liệu trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, lượng lớn nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu sẽ khiến các công ty xuất khẩu sản phẩm nhựa khó tận dụng được ưu đãi thuế do những quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Vấn đề không thể tự chủ nguồn nguyên liệu này từ lâu đã trở thành một hạn chế lớn của ngành ép nhựa Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vẫn rất khó để có thể thay đổi vấn đề này trong vài năm tới.

Xu hướng ngành nhựa trong tương lai

Nhu cầu về các sản phẩm ép nhựa được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, đặc biệt là các sản phẩm nhựa kỹ thuật để phục vụ cho các lĩnh vực ô tô và điện tử - 2 ngành công nghiệp quan trọng và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong tương lai. Các sản phẩm nhựa dùng trong hai lĩnh vực này yêu cầu các đặc tính đặc biệt như độ bền, độ cứng, chống ăn mòn, và khả năng chịu nhiệt độ, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao cấp. Như đã nêu ở trên, hiện nay tại Việt Nam, việc sản xuất các sản phẩm ép nhựa kỹ thuật có yêu cầu độ khó cao đa số do các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào lĩnh vực này thì sẽ có cơ hội rất lớn để phát triển.

Tự động hóa đang trở thành một xu hướng nổi bật của ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói chung và ngành ép nhựa nói riêng. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc ứng dụng robot và các hệ thống tự động hóa vào các công đoạn sản xuất (kiểm tra, đóng gói...) hay trong việc quản lý nhà máy. Tự động hóa mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp, nó không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất sản xuất và giảm bớt sai sót mà còn giúp giảm chi phí nhân công vốn đăng dần tăng tại Việt Nam.

Xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngành ép nhựa. Hiện nay, đặc tính thân thiện với môi trường của sản phẩm nhựa đang dần trở thành một trong những yếu tố quan trọng mà người tiêu dùng sẽ cân nhắc khi đưa ra quyết định mua hàng. Một số thị trường xuất khẩu sản phẩm nhựa chủ yếu của Việt Nam như là Mỹ, Châu Âu đang đưa ra những yêu cầu ngày càng khắt khe đối với các sản phẩm nhựa nhập khẩu (các sản phẩm nhựa có thể tái chế, có thể phân hủy hay không, quy trình sản xuất có gây ô nhiễm môi trường không...).  Đối mặt với những yêu cầu này, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh chiến lược sản xuất và phát triển sản phẩm để đáp ứng đúng với xu hướng của thị trường.

Cảm ơn sự hợp tác của các doanh nghiệp: Sansho JK Hanoi Co., Ltd, Ha Noi Industry Trading Investment Joint Stock Company, Sahara Industry Vietnam Co.Ltd, Yuwa Vietnam Co.,Ltd, Daiwa Plastics Thang Long Co., Ltd, SSP Moulding Co., Ltd, An Phu Viet Plastics Co., Ltd, Van Long Plastic Co., Ltd, Hikari Vietnam Production and Trading Co., Ltd.

NC Network Việt Nam
Chia sẻ

Đăng ký nhận thêm thông tin