Trân trọng cảm ơn Công ty TNHH Điện Nissin Việt Nam, Công ty TNHH Yoshimura Kogyo Việt Nam, Công ty Cổ phần Kỹ thuật cơ điện Long Giang, Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Và Phát Triển Công Nghiệp Việt Nhật (INDEMA), Công Ty TNHH TRUMPF Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết này.
Tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự phát triển nhanh chóng của thị trường đầu ra
Ngành gia công kim loại tấm là một trong những lĩnh vực trọng yếu của ngành sản xuất tại Việt Nam, là sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành như xây dựng dân dụng/công nghiệp, thiết bị điện, đồ dùng gia dụng, tự động hóa,... Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của các ngành này, ngành gia công kim loại tấm cũng ghi nhận sự phát triển ấn tượng.
Giai đoạn 2020, ngành xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 khiến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thị trường chứng kiến sự phục hồi của lĩnh vực này, bằng chứng rõ ràng nhất là tỉ trọng ngành bất động sản trong GDP đang duy trì đà tăng ổn định. Ngành xây dựng và bất động sản hiện chiếm khoảng 11% GDP, trong đó riêng bất động sản chiếm khoảng 4.5%, đóng góp 0.5 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung. Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành bất động sản Việt Nam đạt 4,45 tỷ USD, tăng 70% so với con số 1,85 tỷ USD của năm 2021. Bất động sản là ngành thu hút FDI lớn thứ hai, sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nguồn vốn FDI tập trung chủ yếu vào phân khúc bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn. Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu về nhà ở ngày càng gia tăng tại các đô thị lớn và các khu du lịch nổi tiếng.
Về lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện liên tục tăng cao trong nhiều năm, Chính phủ đang tập trung thúc đẩy các dự án xây dựng nhà máy điện, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện năng lượng mặt trời. Thúc đẩy khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo không chỉ phù hợp với xu hướng chung hiện nay mà còn rất thích hợp với điều kiện tự nhiên của Việt Nam. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo của thế giới cùng với Bắc Âu, Hoa Kỳ, Đông Á và Nam Mỹ. Mặc dù vẫn còn nhiều vướng mắc trong quy hoạch các nhà máy điện năng lượng tái tạo nói riêng và nhà máy điện nói chung, nhưng với dự báo nhu cầu tiêu thụ điện tiếp tục tăng trong thời gian tới, có thể chắc chắn rằng Chính phủ sẽ duy trì đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng điện lực.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cầu đường cũng được triển khai tích cực. Năm 2020, nhiều dự án quy mô lớn như cải tạo đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, xây dựng một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam,... đã được triển khai. Đến tháng 1/2021, giai đoạn 1 của dự án sân bay quốc tế Long Thành — được đánh giá có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng, an ninh của Việt Nam — đã tiến hành khởi công.
Bảo đảm cung ứng đủ điện và phát triển hạ tầng giao thông là tiền đề để thúc đẩy sự phát triển của sản xuất công nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay của Việt Nam, việc tập trung đầu tư vào các lĩnh vực này để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước là đặc biệt quan trọng. Và những ngành này cũng sẽ là thị trường trọng điểm cho các sản phẩm của ngành gia công kim loại tấm.
Ngoài ra, các sản phẩm gia công kim loại tấm cũng được sử dụng rộng rãi trong sản xuất các thiết bị và đồ gia dụng như tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa không khí, máy tính,... Dòng vốn nước ngoài dồi dào kết hợp với sự phổ biến của tự động hóa tạo ra cơ hội tăng trưởng cho các ngành sản xuất thiết bị công nghiệp, dây chuyền sản xuất, dây điện,... Đồng thời tạo ra nhu cầu đối với các sản phẩm gia công kim loại tấm phục vụ các ngành này.
Một số sản phẩm gia công kim loại tấm còn phục vụ mục đích xuất khẩu. Vậy nên sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng là một động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này tại Việt Nam.
Hiện trạng của các doanh nghiệp gia công kim loại tấm tại Việt Nam
Ngành gia công kim loại tấm tại Việt Nam có sự tham gia của cả các công ty trong nước lẫn công ty nước ngoài (chủ yếu là các công ty Nhật Bản), với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Sản phẩm cũng đa dạng dựa trên các yếu tố như độ khó, độ chính xác, mục đích sử dụng. Các công ty trong nước trước đây chủ yếu sản xuất tủ bảng điện, tủ điều khiển, bàn ghế, tủ tài liệu,... tập trung phục vụ nhu cầu nội địa cho các công trình xây dựng, nhà máy điện, xưởng sản xuất. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp với năng lực kỹ thuật vượt trội lựa chọn hướng xuất khẩu tới các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu, hoặc tiếp nhận các hợp đồng OEM (sản xuất theo yêu cầu, thiết kế của đối tác).
Các công đoạn chính trong gia công kim loại tấm bao gồm đục lỗ, cắt, uốn, lắp ráp (hàn hoặc không hàn) và xử lý bề mặt (đánh bóng, sơn, mạ). Phần lớn công ty Việt Nam sẽ tự thực hiện gia công cho đến khâu lắp ráp, rồi thuê một bên khác làm tiếp khâu xử lý bề mặt. Các công ty quy mô nhỏ chỉ trang bị các loại máy đục lỗ, máy cắt, máy hàn TIG/MIG đời cũ thường chỉ nhận những đơn hàng dễ. Ngược lại, những doanh nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản hay Hoa Kỳ cần trang bị đầy đủ dây chuyền xử lý bề mặt, tự thực hiện toàn bộ các công đoạn để đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã thành công xuất khẩu sản phẩm có thể kể đến LGMec, 3C Engineering, INDEMA , Điện Trường Giang,...
Sản phẩm chủ yếu của ngành gia công kim loại tấm là tủ bảng điện và tủ điều khiển, phục vụ nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu. Một số công ty chỉ đảm nhận gia công và lắp ráp phần khung vỏ sản phẩm (tự xử lý bề mặt hoặc thuê ngoài tùy trường hợp), còn việc lắp ráp các linh phụ kiện điện tử sẽ được thực hiện bởi một bên thứ ba (là đối tác của công ty đó hoặc được chỉ định bởi khách hàng). Một số ít như Nissin, 3C Engineering hay Điện Trường Giang thì tự thực hiện hết các công đoạn bao gồm lắp ráp linh phụ kiện điện tử, cung cấp sản phẩm hoàn chỉnh tới khách hàng; và một số khác thì nhận các đơn hàng OEM (sản phẩm được bán dưới thương hiệu của đối tác đặt hàng) song song với việc bán ra các sản phẩm dưới thương hiệu của chính họ. Linh kiện, phụ kiện điện tử mà các doanh nghiệp này sử dụng hầu hết được nhập khẩu từ Nhật và châu Âu.
Máy móc thiết bị phục vụ sản xuất được nhập khẩu 100%. Các công ty Nhật thường sử dụng máy móc của các thương hiệu Nhật Bản như Amada hay Komatsu. Còn các doanh nghiệp Việt Nam thì nhập từ nhiều nguồn khác nhau như Nhật, Đức, Đài Loan, Trung Quốc. Trong đó, hai thương hiệu được tin tưởng nhất là Amada (Nhật) và Trumpf (Đức). Một số doanh nghiệp chỉ sử dụng máy móc thiết bị của một vài thương hiệu cụ thể, nhưng cũng có một số xây dựng chiến lược chi tiết để đầu tư máy móc thiết bị sao cho phù hợp với chiến lược sản xuất và phát triển riêng của công ty.
Đại diện của Trumpf cho biết, các doanh nghiệp thường có xu hướng lựa chọn loại máy móc dựa trên nhu cầu của tệp khách hàng mục tiêu của họ. Ví dụ, có những doanh nghiệp chú trọng hiệu quả chi phí khi vận hành máy, lại có một số khác ưu tiên độ chính xác của máy. Đặc biệt, xu hướng trong những năm gần đây là tối ưu hóa chi phí bằng cách giảm các quy trình không cần thiết, và nâng cao hiệu suất bằng cách tích hợp phần mềm quản lý với máy móc tương ứng.
Hầu hết các công ty trong ngành đều trang bị máy cắt laser, nên rất khó để đánh giá chính xác năng lực của doanh nghiệp nếu chỉ dựa trên công đoạn cắt. Năng lực của mỗi công ty sẽ phân hóa rõ ràng hơn hẳn ở công đoạn uốn và hàn, vốn đòi hỏi nghiêm ngặt hơn về kỹ năng và kinh nghiệm của công nhân. Đặc biệt là ở công đoạn hàn, để cho ra một mối hàn đẹp và không cần xử lý thứ cấp đường hàn, không chỉ đòi hỏi người lao động có tay nghề cao mà còn yêu cầu khả năng quản lý, giám sát trực tiếp tại hiện trường. Tuy rằng Việt Nam cũng có hệ thống đào tạo cấp chứng chỉ tay nghề hàn nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng, dẫn đến hiện trạng các công ty cần đào tạo bổ sung sau tuyển dụng. Về mặt đào tạo kỹ năng hàn tại hiện trường sản xuất, nói chung các doanh nghiệp Nhật có kinh nghiệm hơn hẳn các doanh nghiệp Việt.
Một số công ty đang cân nhắc đầu tư, sử dụng robot cho công đoạn hàn nhằm đảm bảo chất lượng đồng đều của mối hàn. Tuy nhiên, do hạn chế về khối lượng sản xuất và chi phí đầu tư, phần lớn công ty vẫn duy trì phương án sử dụng công nhân tại công đoạn này.
Bài toán khó: Đảm bảo chất lượng khi xử lý bề mặt sản phẩm
Để đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền của sản phẩm trước các yếu tố môi trường, các tấm kim loại sau công đoạn gia công sẽ được xử lý bề mặt bằng nhiều phương pháp như mạ, sơn tĩnh điện, sơn điện ly, đánh bóng,... Quá trình sơn, xi mạ không chỉ đòi hỏi đầu tư máy móc, thiết bị mà còn yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng một hệ thống quản lý kiện toàn, đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Không ít công ty có thể tự thực hiện công đoạn sơn hoặc mạ, nhưng rất hiếm công ty có thể xử lý cả hai quy trình này. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp, cụ thể như sau:
- Công ty Cổ phần Kỹ thuật cơ điện Long Giang (LGMec): Trang bị dây chuyền sơn bột tự động (cả robot và thủ công) cho các sản phẩm kích thước vừa và nhỏ; dây chuyền sơn bột (thủ công) cho các sản phẩm kích thước lớn; các thiết bị phục vụ công đoạn làm sạch bề mặt trước, trong và sau khi phun sơn.
- Công ty TNHH Điện Nissin Việt Nam: Xử lý sơn bột và sơn nước. Gần đây, công ty bắt đầu kinh doanh ngành nghề mới là thấm phủ bề mặt (PVD Coating) sản phẩm khác ngoài kim loại tấm như khuôn mẫu, dụng cụ mài, bộ phận máy móc,...
- Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Và Phát Triển Công Nghiệp Việt Nhật (INDEMA): Trang bị các dây chuyền sơn bột, mạ kẽm điện phân và dây chuyền mạ thụ động crom 3+.
Trả lời câu hỏi tại sao doanh nghiệp tự thực hiện công đoạn này thay vì thuê ngoài, phần lớn cho biết: “Nếu thuê ngoài, sẽ rất khó kiểm tra và đảm bảo tiến độ, mức độ ổn định và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, với các sản phẩm đòi hỏi chất lượng và ngoại quan xuất sắc phục vụ mục đích xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, chúng tôi buộc phải tự sản xuất để giữ vững lòng tin của khách hàng.”
Các sản phẩm gia công kim loại tấm rất đa dạng về kích thước. Về vật liệu, ngoại trừ thép không gỉ, hầu hết các vật liệu đều yêu cầu xử lý bề mặt bằng phương pháp sơn, và một số khác cần xử lý bằng phương pháp mạ. Để mạ các chi tiết có kích thước lớn, doanh nghiệp cần đầu tư lắp đặt dây chuyền mạ có trang bị với kích thước tương ứng. Chi phí đầu tư đương nhiên cũng tốn kém hơn hẳn so với việc mạ các chi tiết kích thước nhỏ. Vậy nên đa số các doanh nghiệp chuyên gia công mạ ở Việt Nam đều chỉ xử lý các chi tiết kích thước vừa và nhỏ, rất ít doanh nghiệp nhận xi mạ các chi tiết lớn.
Một số doanh nghiệp tiêu biểu cung cấp dịch vụ xử lý bề mặt tại Việt Nam có thể kể đến Công ty TNHH Enshu Sanko (công ty Nhật, mạ kẽm điện phân), Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Và Phát Triển Công Nghiệp Việt Nhật (INDEMA, mạ kẽm điện phân, mạ thụ động crom 3+, có thể xử lý sản phẩm với kích thước tối đa 1500x1500x1500mm), Công ty TNHH Viet Rainbow (sơn bột, sơn nước), Công ty TNHH H.V.T (sơn nước),...
Nguyên vật liệu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu
Vật liệu phổ biến nhất được sử dụng trong ngành gia công kim loại tấm là thép không gỉ. Ngoài ra còn có các vật liệu dạng tấm khác như thép, nhôm, hợp kim nhôm, đồng, kẽm, thiếc, bạc,... với độ dày đa dạng. Giống như nhiều ngành công nghiệp khác ở Việt Nam, nguyên liệu gia công kim loại tấm phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Ví dụ, nguồn cung trong nước của thép tấm cuộn cán nóng (HRC) chỉ khoảng 5 triệu tấn/năm, trong khi để đáp ứng nhu cầu sản xuất, mỗi năm Việt Nam cần nhập siêu khoảng 10 tấn mặt hàng này. Nguyên liệu thô của ngành thép nói chung phụ thuộc vào nhập khẩu, dẫn đến chi phí đầu vào dao động mạnh tùy theo giá quặng sắt thế giới và chi phí vận tải biển.
Chi phí nguyên vật liệu tăng vọt trở thành một vấn đề nan giải. Có doanh nghiệp đã ghi nhận mức tăng lên đến 40% của giá nguyên liệu sắt thép chỉ trong vòng 6 tháng từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2021.
Một doanh nghiệp Nhật Bản cho hay, nguyên vật liệu đầu vào cần thiết của họ bao gồm các loại thép tấm SPCC, SPHC, SS400 và SUS304, nhưng chỉ có duy nhất SS400 là tìm được nguồn cung trong nước. Các loại còn lại bắt buộc phải nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hoặc Trung Quốc. Nhà cung cấp nguyên vật liệu tại Việt Nam của họ là POSCO, một công ty Hàn Quốc, nhưng chất lượng thành phẩm sau khi cán không ổn định. Đã có trường hợp chất lượng không đạt yêu cầu và công ty đành phải trả lại hàng cho nhà cung cấp.
Một nhân vật khác trong ngành chia sẻ rằng: “Nguyên vật liệu đều là hàng nhập khẩu, thế nên so với sản phẩm sản xuất tại Nhật thì chi phí gần như tương đương nhưng chất lượng lại không tốt bằng. Còn có một số loại nguyên vật liệu rất dễ mua được ở Nhật, nhưng lại khó tìm được nguồn cung ở Việt Nam.”
Để ổn định nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào của ngành gia công kim loại tấm nói riêng và toàn ngành công nghiệp chế tạo nói chung, từ đó tối ưu hóa sản xuất, cần thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Có sự chênh lệch lớn giữa các doanh nghiệp
Theo các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trong ngành gia công kim loại tấm và khách hàng của họ, vấn đề lớn nhất của các công ty Việt Nam trong ngành này là khả năng quản lý sản xuất. Các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các khách hàng nước ngoài (đặc biệt là khách hàng Nhật), hoặc có bố trí quản lý người Nhật, hoặc nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn về mặt kỹ thuật từ các doanh nghiệp Nhật, thường có khả năng kiểm soát chất lượng và quản lý tiến độ triệt để. Ngược lại, một số doanh nghiệp địa phương còn chưa chú trọng việc đảm bảo an toàn lao động cho công nhân viên, không yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tiến độ công việc dẫn đến vấn đề quản lý lỏng lẻo.
Nếu muốn quản lý triệt để hoạt động sản xuất của mình, doanh nghiệp cần tự tiến hành hoạt động nghiên cứu, phát triển. Thế nhưng sẽ rất gian nan để có thể xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh từ máy móc thiết bị, quy trình quản lý sản xuất đến phát triển nguồn nhân lực phù hợp (đặc biệt là tìm kiếm, bồi dưỡng nhân lực phụ trách các công đoạn uốn và hàn). Mặc dù đã có những doanh nghiệp được các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ đào tạo về xây dựng hệ thống quản lý ISO, TPM/TQM, nhưng con số còn khiêm tốn và chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Để có thể quản lý hoạt động sản xuất hiệu quả, triệt để chắc chắn sẽ đòi hỏi khoản đầu tư đáng kể về cả thời gian và tiền bạc.
Ngay cả đại diện của một doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, có kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường Nhật và cung cấp các đơn hàng lớn cho các đối tác nước ngoài tại Việt Nam, cũng phải thừa nhận rằng: “Lợi thế cạnh tranh duy nhất của các công ty Việt là giá cả. Còn về năng suất, chất lượng, tiến độ thực hiện, tất cả đều thua xa nước ngoài.”
Triển vọng trong tương lai
Với sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp tiêu thụ sản phẩm gia công kim loại tấm, ngành gia công kim loại tấm của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, sẽ cần một khoảng thời gian đáng kể để thu hẹp khoảng cách về năng lực giữa các công ty của Việt Nam và nước ngoài, bởi lẽ các vấn đề về nguồn cung nguyên liệu, xây dựng hệ thống quản lý sản xuất, đào tạo nhân lực đều không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang được sắp xếp lại, nhiều cơ hội kinh doanh mới được mở ra, các doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia vào cuộc chiến cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng đồng thời cũng đón nhận những cơ hội phát triển mới. Dựa dẫm vào lợi thế về giá không phải giải pháp lâu dài. Bản thân doanh nghiệp phải nắm bắt thời cơ củng cố, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý của mình. Để làm được điều đó, doanh nghiệp rất cần nhận được sự hỗ trợ hiệu quả, bền vững từ phía Chính phủ thông qua các khoản vay, các chương trình đào tạo,...