Đúc là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, với vô số xưởng đúc tồn tại trên khắp đất nước, từ những xưởng đúc đồng trang trí lâu đời cho đến những nhà máy đúc các sản phẩm phục vụ cho đời sống hàng ngày và cho công nghiệp.
Đến nay, ngành đúc Việt Nam đã có những bước tiến nhất định theo hướng đầu tư vào công nghệ hiện đại để sản xuất các sản phẩm đúc chất lượng và có độ chính xác cao. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã có thể sản xuất ra các sản phẩm đúc chất lượng phục vụ cho ngành công nghiệp nặng. Sự phụ thuộc của ngành đúc vào nhập khẩu cũng đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, ngành đúc Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới về công nghệ cũng như quy mô sản xuất. Các doanh nghiệp đúc chủ yếu sản xuất đáp ứng nhu cầu của các thị trường ngách. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào thiết bị và công nghệ hiện đại không nhiều. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung.
Tại Việt Nam, các xưởng đúc chủ yếu tập trung ở 9 tỉnh là Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thái Nguyên, Nam Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên và Hải Dương. Chỉ riêng 9 tỉnh này đã chiếm khoảng 90% sản lượng đúc của cả nước.
Các phương pháp đúc chủ yếu
Ở Việt Nam, các phương pháp đúc chủ yếu là Đúc cát tươi, Đúc cát nhựa, Đúc mẫu chảy, Đúc mẫu cháy và Đúc áp lực. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về từng loại đúc này.
Đúc cát tươi, Đúc cát nhựa
Đúc cát tươi là phương pháp đúc phổ biến nhất ở Việt Nam, tiếp theo là đúc cát furan. Cát dùng làm khuôn thường được khai thác từ Vân Hải - Quảng Ninh (cát thạch anh), Núi Thành - Quảng Nam, Ba Đồn - Quảng Bình, Hà Tĩnh. Sau khi được khai thác và chế biến, phần lớn cát thạch anh sẽ được sử dụng trong ngành thủy tinh và kính xây dựng, phần còn lại được sử dụng trong các ngành công nghiệp khác, bao gồm đúc.
Đất sét dùng làm khuôn đúc thường có nguồn gốc từ các mỏ ở Trúc Thôn (Hải Dương), Cổ Định (Thanh Hóa), Di Linh (Lâm Đồng),... Các nguyên liệu khác như phấn chì, natri silicat hay sơn phủ thường không được tiêu chuẩn hóa và không có doanh nghiệp nào chuyên sản xuất hay cung cấp. Chính vì vậy, các xưởng đúc trong nước thường gặp khó khăn khi mua những nguyên liệu này và thường phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan hay Thái Lan. Về nhựa furan, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Thị trường nhập khẩu chính là Đài Loan.
Như vậy, mặc dù nhu cầu về nguyên liệu làm khuôn đúc ngày càng tăng nhưng nguồn cung trong nước lại không đủ. Các doanh nghiệp đúc vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Về kỹ thuật đúc của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam, dưới đây chúng tôi xin trích dẫn lại ý kiến của công ty Kanamori Industries Vietnam Co.,Ltd
Về vật liệu đúc, doanh nghiệp Việt Nam có thể đúc hầu hết các loại vật liệu như FC (150 ~ 300), FCD (400 ~ 600), SC, SUS, Hi-Mn, gang Cr. Trong đó, gang Cr tuy không còn được sản xuất tại Nhật nhưng lại khá phổ biến ở Việt Nam.
Về việc nấu chảy, sử dụng lò điện trung tần hoặc lò điện cao tần. Các doanh nghiệp FDI Nhật thường sử dụng lò điện do Nhật sản xuất (Kitashiba Electric, Fuji Electric, v.v.), trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng lò điện do Trung Quốc sản xuất. Gần đây, số lượng các công ty Việt Nam sử dụng lò điện có xuất xứ từ Đài Loan đang tăng lên. Việc đầu tư sử dụng lò điện của Nhật cũng là ước mơ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên vẫn khó có thực hiện được do vấn đề về giá cả. Tình trạng mất điện, ngắt điện tạm thời thường hay xảy ra trong quá khứ giờ đã hầu như không còn và các lò điện hoạt động một cách ổn định.
Về phương pháp làm khuôn, tại nhiều xưởng đúc nằm trong các làng nghề (chủ yếu là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa) có sản lượng hàng tháng khoảng 100 tấn vẫn phổ biến việc sản xuất khuôn đúc và đúc thủ công. Mặt khác, các doanh nghiệp vừa và lớn ngày càng chú trọng việc đầu tư vào các trang thiết bị và máy móc hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài. Máy làm khuôn F1 được sử dụng rộng rãi trong đúc cát tươi, nhưng gần đây ngày càng có nhiều công ty bắt đầu sử dụng máy làm khuôn áp lực cao (DISA), máy làm khuôn áp lực tĩnh (FCMX), v.v. Về khuôn tự cứng, phương pháp làm khuôn đúc furan là phổ biến nhất. Ngoài ra, phương pháp làm khuôn phenol kiềm cũng ngày càng được ưng dụng rộng rãi, tập trung ở các doanh nghiệp FDI Nhật. Đặc biệt, ở các nhà máy đúc hợp kim thép, nhôm, đồng đều sử dụng phương pháp làm khuôn đúc phenol kiềm.
Đúc cát tươi, Đúc cát nhựa tại Công ty TNHH Đúc Nam Ninh ở Thái Nguyên
Đúc mẫu chảy, Đúc mẫu cháy
Các doanh nghiệp đúc mẫu chảy, mẫu cháy ở Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan hoặc doanh nghiệp trong nước.
Ở Nhật, đúc mẫu cháy thường được áp dụng với FC, FCD, nhưng ở Việt Nam thì còn được áp dụng rộng rãi với thép đúc.
Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp còn có thực trạng chất lượng của xốp kém, lớp phủ khuôn do công ty tự chế tạo nên chất lượng không tốt. Mặt khác, hiện nay có một số doanh nghiệp đúc bắt đầu sử dụng nhựa PPS làm xốp, sử dụng lớp phủ khuôn bền chắc, có độ thoáng khí cao, ngày càng tiến gần đến tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản.
Đúc mẫu chảy rất phổ biến ở Hồ Chí Minh và chủ yếu do các doanh nghiệp Đài Loan thực hiện, tuy nhiên gần đây cũng bắt đầu được nhiều doanh nghiệp ở miền Bắc xem xét ứng dụng. Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp đang cân nhắc việc sử dụng máy in 3D thay cho sáp để đúc các sản phẩm số lượng nhỏ.
Một doanh nghiệp đúc mẫu chảy của Việt Nam cho hay, "Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu sử dụng máy móc của Đài Loan và Trung Quốc, ngoài ra còn có những doanh nghiệp sử dụng máy cũ của Nhật. Gần đây cũng có nhiều doanh nghiệp tập trung hơn vào việc đầu tư trang thiết bị cũng như quản lý hiện trường nên đã có thể sản xuất các sản phẩm đúc mẫu chảy có chất lượng tốt. Tuy nhiên, vì phần lớn nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu nên rất khó để cạnh tranh với hàng Trung Quốc về giá cả."
Đúc mẫu chảy tại Công ty TNHH Cơ khí và Đúc VN-CAST
Đúc áp lực
Tại Việt Nam, sự phát triển của ngành sản xuất đồ gia dụng và ngành công nghiệp xe máy đã kéo theo sự gia tăng đáng kể của các doanh nghiệp đúc áp lực, từ những xưởng đúc có quy mô siêu nhỏ và nhỏ cho đến những doanh nghiệp lớn, trong đó tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan hay Nhật Bản. Những năm gần đây, số lượng công ty Việt Nam tham gia vào lĩnh vực đúc áp lực ngày càng tăng.
Về vật liệu đúc, chủ yếu là nhôm, ngoài ra còn có kẽm và đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này vẫn chưa cao. Các sản phẩm đúc áp lực do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vẫn chưa thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu trong nước cả về chất lượng và số lượng, nên còn phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài. Trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần cải thiện cả về công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực.
Một doanh nghiệp đúc áp lực của Việt Nam chia sẻ, "Vật liệu đúc áp lực chủ yếu ở Việt Nam là nhôm (ADC6, ADC12, v.v.), kẽm (ZDC2, ZDC3, v.v.) và magie. Sản phẩm phần lớn được sử dụng trong ngành công nghiệp xe máy, đồ điện gia dụng, điện tử. Một số doanh nghiệp có thể đúc linh kiện ô tô nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, Đài Loan. Máy móc sản xuất là máy mới của Đài Loan hoặc máy mới/cũ của Nhật. Chất lượng các sản phẩm đúc áp lực của các doanh nghiệp Việt Nam đang dần được cải thiện, nhiều công ty vì thế đã trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho các nhà sản xuất nước ngoài. Về giá cả thì sản phẩm đúc áp lực của Việt Nam có giá cao hơn so với Trung Quốc. Điều này được cho là do Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, cùng với cơ sở hạ tầng trong nước chưa đầy đủ (hậu cần, xử lý môi trường,…), cũng như những khó khăn về thủ tục hành chính. Ví dụ, nguyên liệu nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc có chất lượng không cao nhưng giá thành lại rẻ nên đối với các sản phẩm mà không yêu cầu chất lượng cao, các doanh nghiệp thường có xu hướng sử dụng vật liệu từ Trung Quốc."
Về khuôn đúc áp lực, doanh nghiệp có thể tự làm khuôn, hoặc là đặt hàng ở các công ty chuyên sản xuất khuôn. Khuôn do các công ty Việt Nam sản xuất cũng được đánh giá cao về chất lượng và được các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng. Ngoài ra, nhằm nâng cao năng lực thiết kế và sản xuất khuôn mẫu của các doanh nghiệp trong nước, Bộ Công Thương Việt Nam đang hợp tác với Samsung triển khai dự án phát triển nguồn nhân lực cho ngành khuôn mẫu từ năm 2020. Khóa đào tạo được thông tin là sẽ tập trung vào khuôn ép nhựa và khuôn đột dập, nhưng do các công ty thường sản xuất nhiều loại khuôn khác nhau nên chúng ta có thể kỳ vọng rằng dự án này sẽ góp phần cải thiện cả chất lượng sản xuất khuôn đúc áp lực cho các doanh nghiệp.
Sản phẩm đúc áp lực tại Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Thành Công
Các vấn đề của ngành đúc Việt Nam
- Về nguyên vật liệu: Ngoài cát ra thì hầu hết các nguyên vật liệu khác dùng trong ngành đúc tại Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Tại các công ty FDI của Nhật Bản, để đảm bảo chất lượng thì ngay cả những nguyên liệu như gang, thép phế liệu cũng hầu như nhập khẩu 100% từ Nhật Bản, Thái Lan. Các doanh nghiệp Việt Nam thì thường nhập khẩu nguyên liệu từ Đài Loan, Trung Quốc. Chính vì vậy, tuy rằng giá nhân công ở Việt Nam hiện đang rẻ hơn Trung Quốc, nhưng giá sản phẩm đúc thì vẫn cao hơn Trung Quốc. Trong quá trình khảo sát các doanh nghiệp đúc tại Việt Nam, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp đúc trong nước rằng về giá thì rất khó cạnh tranh với Trung Quốc. Vì vậy, hiện nay, các nhà mua hàng nước ngoài nếu có nhu cầu đặt hàng đúc tại Việt Nam thì nên nghĩ rằng đây là một phương án để phục vụ cho mục tiêu "China +1", chứ không phải là phương án để mua được sản phẩm đúc với giá rẻ.
- Về trình độ kỹ thuật: Không thể phủ nhận rằng những năm gần đây, trình độ kỹ thuật đúc của các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển hơn nhờ vào việc tích cực đầu tư các máy móc, công nghệ hiện đại. Một số doanh nghiệp đúc lớn (hầu hết là các doanh nghiệp nhà nước) đã trở thành những cái tên được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng đặt hàng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng sản xuất được các sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO, JIS (Nhật Bản), DIN (Châu Âu),... và xuất khẩu đi nhiều thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mỹ, EU,... Mặt khác, nếu so sánh giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam thì chất lượng của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tốt hơn. Điều này do nhiều yếu tố, từ máy móc, nguyên vật liệu cho đến trình độ nhân sự... Khi đặt hàng đúc ở Việt Nam, các nhà mua hàng được khuyến khích nên xác định rõ rằng mình coi trọng chất lượng hơn hay giá cả hơn. Nếu coi trọng chất lượng hơn thì nên chọn doanh nghiệp Nhật (đối ứng số lượng ít, chất lượng cao), còn nếu muốn giá rẻ hơn thì có thể chọn doanh nghiệp Việt Nam (đối ứng số lượng nhiều, chất lượng trung bình - thấp). Một số ít doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được chất lượng tiệm cận với chất lượng của DN FDI, do có ưu thế về thiết bị, quy mô nhân sự.
- Các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, an toàn lao động: Quá trình đúc làm phát thải ra một lượng lớn bụi cũng như khí thải, nước thải độc hại, gây ảnh hưởng đến môi trường và người lao động. Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp đúc tại Việt Nam thì vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là các xưởng đúc siêu nhỏ trong các làng nghề lâu đời. Tại các xưởng đúc này, chúng ta thường thấy cảnh những người thợ mặc quần đùi và cởi trần để làm việc do quá nóng. Thậm chí, ở các làng nghề, dù nhận thức rõ tác hại đến môi trường và sức khỏe nhưng tâm lý ngại thay đổi vẫn chiếm phần lớn hơn. Đa số các doanh nghiệp như này đều sử dụng các công nghệ, máy móc cũ nên các chất thải ra rất độc hại, tuy vậy họ cũng không có đủ tài chính để đầu tư vào những trang thiết bị hiện đại hơn, dẫn đến tình trạng ô nhiễm như vậy vẫn tiếp tục kéo dài.
Triển vọng tương lai
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, đa số các ngành nghề đều gặp nhiều khó khăn. Tương tự, các doanh nghiệp trong ngành đúc cũng đối mặt với những khó khăn từ việc đơn hàng sụt giảm, giá nguyên vật liệu biến động,... Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát với các doanh nghiệp đúc tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng tuy nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn và phải thu hẹp sản xuất, nhưng cũng có những doanh nghiệp vẫn giữ vững được hoạt động sản xuất. Đó là những doanh nghiệp với dải sản phẩm và đối tượng khách hàng đa dạng, nhờ đó mà họ có thể duy trì được 1 lượng đơn hàng đều đặn. Ngoài ra, cũng có 1 số doanh nghiệp không ngừng phát triển những sản phẩm mới và tìm kiếm thêm nhiều cơ hội từ những thị trường mới.
Như vậy, có thể nói rằng, giai đoạn khó khăn như hiện nay cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp đổi mới và cải tiến, khai phá thêm những thị trường mới tiềm năng. Chúng tôi tin rằng, dù ở thời đại nào thì trong ngành chế tạo, chất lượng vẫn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, những doanh nghiệp có khả năng tự học hỏi, nắm bắt cơ hội, và duy trì cam kết với chất lượng sẽ tiếp tục phát triển và thành công.