Báo cáo ngành 08/11/2023, 14:01

Xu hướng giảm phát thải và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành chế tạo

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và áp lực từ tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề, việc giảm phát thải đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam, như một trong những nền kinh tế phát triển nhanh chóng tại khu vực Đông Nam Á, cũng đang nỗ lực hòa nhập vào cuộc chạy đua này.

Xu hướng giảm phát thải và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành chế tạo

Với những nỗ lực hết sức nghiêm túc của Chính phủ Việt Nam để đạt được mục tiêu giảm phát thải, có thể nói rằng áp lực lên các doanh nghiệp trong nước cũng không hề nhẹ, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành chế tạo. Vậy, trước xu hướng giảm phát thải trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp ngành chế tạo đang phải đối mặt với những thách thức như thế nào để có thể thích nghi với xu hướng này, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững cho chính họ và cả xã hội.

Xu hướng giảm phát thải trên thế giới

Trong hàng thập kỷ, nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi “Kinh tế nâu” (Brown Economy), nghĩa là nền kinh tế dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, bỏ qua các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên. Quan điểm này đã gây ra những tổn hại to lớn cho môi trường, làm gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, CH4... và biến đổi khí hậu diễn ra với quy mô toàn cầu.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đứng trước nhu cầu cấp bách để giải quyết không chỉ các thách thức kinh tế mà còn cả các vấn đề môi trường, khái niệm "Kinh tế xanh" (Green Economy) bắt đầu được sử dụng rộng rãi và trở thành xu hướng tất yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), "Kinh tế xanh" có thể được hiểu là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội (socially inclusive).

Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu đã đặt ra mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên của Trái đất ở mức dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C, nhằm tránh những tác động xấu nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Với sự tham gia của hơn 190 quốc gia trên thế giới, Hiệp định Paris thể hiện một tầm nhìn toàn cầu về sự cần thiết của việc hợp tác trong việc bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững. Theo Liên Hợp Quốc, để đạt được mục tiêu mà Hiệp định Paris đặt ra, lượng phát thải trên toàn cầu cần phải giảm 45% vào năm 2030 và đạt được net-zero (tổng lượng phát thải khí nhà kính tạo ra là bằng hoặc ít hơn lượng phát thải được hấp thụ hoặc được loại bỏ khỏi môi trường) vào năm 2050.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực giảm phát thải và ứng phó biến đổi khí hậu. Ví dụ như Liên minh châu Âu đã đặt ra mục tiêu cắt giảm lượng khí nhà kính ít nhất là 55% vào năm 2030 và tiến đến trở thành một khu vực trung hòa khí hậu (climate-neutral) vào năm 2050. Ngoài ra, EU cũng là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu (Cơ chế EU-CBAM). Mỹ đã đặt ra mục tiêu giảm khí nhà kính ít nhất 50~52% so với mức năm 2005 vào năm 2030 và hướng tới một nền kinh tế không phát thải khí nhà kính (net-zero) vào năm 2050. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đạt mục tiêu giảm khí nhà kính mỗi đơn vị GDP từ 60~65% so với mức năm 2005 vào năm 2030.

Những mục tiêu và nỗ lực này chỉ là một phần của những gì đang diễn ra trên thế giới. Mỗi quốc gia đang áp dụng các biện pháp và chính sách khác nhau để giảm phát thải và đóng góp vào mục tiêu toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Xu hướng giảm phát thải tại Việt Nam

Các chính sách của Chính phủ

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang có những nỗ lực hết sức nghiêm túc để thúc đẩy quá trình giảm phát thải, hướng đến xây dựng một nền kinh tế xanh.

Quyết định 896/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam rằng, "Thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân." Việc phê duyệt chiến lược này đã chứng tỏ sự cam kết của Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo từng thời kỳ đã được đặt ra như sau: Đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU); Lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh; Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”.

*Kịch bản phát triển thông thường (BAU) là giả định có cơ sở khoa học về mức phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thông thường trong tương lai khi chưa thực hiện biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Quyết định 896/QĐ-TTg cũng đã đặt ra nhiệm vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính đối với các doanh nghiệp như sau: Từ năm 2022, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO(2)tđ trở lên; Từ năm 2030, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hàng năm từ 2.000 tấn CO(2)tđ trở lên ; 500 tấn CO(2)tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO(2)tđ trở lên từ năm 2050.

Cũng trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon. Nghị định này thể hiện sự quan tâm của Việt Nam đối với vấn đề biến đổi khí hậu và xác định phương hướng cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực. Liên quan đến việc phát triển thị trường carbon, Nghị định 06 đã quy định lộ trình như sau:

1. Giai đoạn đến hết năm 2027

a) Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon;

b) Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025;

d) Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

2. Giai đoạn từ năm 2028

a) Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028;

b) Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

Thực trạng các doanh nghiệp

Hiện nay, đa số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ với tổng doanh thu hàng năm không quá 200 tỷ đồng. Đa số doanh nghiệp vẫn sử dụng máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu hơn 30 năm so với các nước phát triển, tiêu hao nhiều năng lượng và xử lý chất thải kém, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều nhà máy, xí nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải, sử dụng các nhiên liệu hoá thạch làm chất đốt trong sản xuất. Quá trình này đã tạo ra các khí: CO2, CO, NO, SO2… gây ô nhiễm không khí trầm trọng, thậm chí gây nên hiệu ứng nhà kính. Thậm chí, các doanh nghiệp FDI với hình mẫu phát triển xanh nhưng tỷ lệ công nghệ cao vẫn rất thấp. Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), chỉ có 5% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao, 15% doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở mức trung bình và 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu.

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho thấy, hiện nay, trên 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của cả nước vẫn đang sử dụng thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% doanh nghiệp sử dụng thiết bị bán tự động, còn lại 10% doanh nghiệp sử dụng thiết bị tự động hoá và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Trên thực tế, chỉ số ít doanh nghiệp đang sử dụng dây chuyền công nghệ cao mới thực sự nhận thức rõ và đưa ra các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.

Thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Giảm phát thải đang ngày càng trở thành một xu hướng mạnh mẽ trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam, với những tác động ngày càng rõ rệt tới các doanh nghiệp. Trong khảo sát "Nhu cầu chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp"(*) với sự tham gia của 134 doanh nghiệp sản xuất, do Công ty CP Giao Nhận Tiếp Vận Quốc Tế (InterLOG) và Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) tiến hành, đã phản ánh phần nào cái nhìn của doanh nghiệp về những tác động của xu hướng giảm phát thải và các chính sách Net-zero đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã đưa ra những nhận định quan trọng, nhấn mạnh nguy cơ giảm sự cạnh tranh trên thị trường do áp lực tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe. Họ cũng lưu ý đến nguy cơ giảm đơn hàng xuất khẩu khi các đối tác quốc tế đòi hỏi tuân thủ tiêu chuẩn về giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, sự giảm sức hút của nhà đầu tư và tăng chi phí do mức thuế và phí phát thải các bon cũng được đánh giá là những thách thức đáng kể đối với doanh nghiệp.

Những điều này cho thấy các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi và thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ không chỉ môi trường mà còn sự bền vững của họ trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nhìn từ khảo sát "Nhu cầu chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp," những khó khăn và rào cản mà các doanh nghiệp thường gặp phải trong quá trình đạt được mục tiêu Net-zero và thực hiện chuyển đổi xanh là rất đáng chú ý. Những khó khăn này bao gồm việc hệ thống pháp lý vẫn còn mơ hồ và chưa có sự hướng dẫn cụ thể, cùng với những chi phí phát sinh đến từ việc đo lường kiểm kê, thay đổi quy trình sản xuất và chuyển đổi công nghệ.

(*) Tham khảo chi tiết kết quả khảo sát tại đây

Hướng đến một tương lai xanh

Trong cuộc hành trình đối mặt với các thách thức đến từ biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, sự hiểu biết và khả năng đo lường đúng các nguồn phát thải là rất quan trọng. Theo ông Trương Vĩnh Khang - Trưởng phòng Phát triển bền vững, Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI), việc các biện pháp giảm phát thải có khả thi và mang lại kết quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc xác định đúng những nguồn phát thải trong doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp cần làm rõ những yếu tố như có những nguồn phát thải nào, doanh nghiệp có kiểm soát được nó hay không, phát thải bao nhiêu, góp bao nhiêu phần trong tổng phát thải của doanh nghiệp và trong từng sản phẩm.

Trong nhiều năm, môi trường đã bị tàn phá nặng nề và những nỗ lực để bảo vệ môi trường của con người dường như vẫn rất nhỏ bé. Ngày nay, việc giảm phát thải khí nhà kính đang trở thành một nhu cầu cấp bách trên toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này có lẽ không hề dễ dàng, nó đòi hỏi một quá trình nghiên cứu và đầu tư một cách bài bản, đồng bộ, từ việc thay đổi tư duy của con người cho đến đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại.

Tuy nhiên, thành công trong việc giảm phát thải không chỉ đảm bảo sự bền vững của môi trường mà còn mở ra một loạt những cơ hội kinh doanh mới đầy hấp dẫn. Bản thân doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều lợi ích quan trọng, bao gồm tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng, và tiết kiệm các chi phí liên quan đến năng lượng, nguyên liệu và quản lý môi trường. Điều này không chỉ giúp tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy việc cải thiện chiến lược kinh doanh, định hình lại hướng đi của doanh nghiệp để tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi xanh, hướng đến một tương lai bền vững và thịnh vượng.

NC NETWORK VIETNAM / ANH TRÍ, HOÀNG GIANG
Chia sẻ

Đăng ký nhận thêm thông tin