Báo cáo ngành 14/12/2023, 09:19

Sơn tĩnh điện: Công nghệ ưu việt của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Ở số tháng 5 của tạp chí Emidas, chúng tôi đã đề cập đến tổng quan về công nghệ sơn tĩnh điện: Nguyên lý, quy trình, ứng dụng, đồng thời phân tích thực trạng của một số doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động sơn tĩnh điện. Tiếp nối phần trước, trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý độc giả về công nghệ sơn tĩnh điện trong các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Sơn tĩnh điện: Công nghệ ưu việt của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã nhận được ý kiến từ 2 doanh nghiệp gia công kim loại tấm của Nhật Bản tại Việt Nam. Đối với các công ty này, sơn được xem như một công đoạn quan trọng giúp họ hoàn thiện chuỗi sản xuất của mình, để mang đến cho khách hàng một quy trình dịch vụ hoàn thiện với chất lượng cao.

Trang thiết bị hiện đại - Quy trình chặt chẽ

Khi nói đến các doanh nghiệp Nhật Bản, có lẽ không thể không nhắc đến sự vượt trội về chất lượng sản phẩm. Ở các doanh nghiệp Nhật Bản, chúng ta dễ dàng thấy được sự đầu tư chỉn chu về trang thiết bị, từ hệ thống bể sục cho đến lò sấy, dây chuyền sơn..., cùng với đó là những quy trình được kiểm soát một cách chặt chẽ để đảm bảo độ chính xác cũng như tính hiệu quả cao trong công việc.

Ví dụ trong công đoạn xử lý bề mặt trước khi sơn sử dụng công nghệ mạ kẽm phosphate, hoá chất sử dụng trong các bể tẩy dầu, bể định hình, phosphate được kiểm soát chặt chẽ: loại hoá chất, hoá chất pha mới, hoá chất bổ sung, thời gian thay mới.

Dây chuyền xử lý bề mặt tại công ty Nissin Electric

Các thông số kỹ thuật thời gian, nhiệt độ nhúng, độ nhiễm bẩn, hình thức nhúng, phương pháp kiểm tra được hướng dẫn cụ thể nhằm kiểm soát toàn bộ dây chuyền sục rửa, làm sạch. Bề mặt sản phẩm sau khi làm sạch qua các bể có một lớp phosphate giúp sản phẩm chống lại ăn mòn. Lớp phosphate này sẽ được soi, kiểm tra, phân tích để đánh giá mức độ bám, độ dày, thành phần.

Dây chuyền xử lý bề mặt tại công ty Kai Metal Asia

Đặc biệt, hai doanh nghiệp mà chúng tôi phỏng vấn cho bài viết này đều có trang bị thiết bị xử lý nước thải để xử lý một phần hoặc toàn bộ nước thải từ các bể sục rửa. Công ty Kai Metal Asia chia sẻ với chúng tôi như sau: "Tại công ty chúng tôi có thiết bị xử lý nước thải riêng. Nước thải tràn từ bể rửa hay bể chứa nước được xử lý bằng thiết bị xử lý nước thải rồi thải ra ngoài nhà máy. Nước thải từ bể chứa hóa chất được thu gom bởi đơn vị xử lý chất thải công nghiệp chuyên nghiệp. Chúng tôi tiến hành kiểm tra các tiêu chuẩn xử lý nước thải hàng ngày. Ngoài ra, phía khu công nghiệp cũng tiến hành kiểm tra xử lý nước thải mỗi tháng một lần để đảm bảo đạt tiêu chuẩn."

Bên cạnh đó, công ty Nissin Electric cũng có hệ thống xử lí nước thải ra từ các bể sục rửa với dung tích khoảng 70m3, đảm bảo nước thải ra môi trường không gây ô nhiễm.

Những hệ thống xử lý nước thải như này hầu như rất ít doanh nghiệp Việt Nam lắp đặt do chi phí cao, tuy vậy nó lại thể hiện tinh thần trách nhiệm với môi trường và xã hội của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất. Hơn nữa, hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường đang ngày càng được quan tâm hơn. Các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực từ chính phủ, cơ quan quản lý môi trường và cả khách hàng về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quy trình sản xuất của họ. Việc tự trang bị hệ thống xử lý nước thải có thể được xem như một sự đầu tư vào tương lai bền vững của doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp có được một phần ưu thế hơn khi thâm nhập vào thị trường quốc tế.

Chất lượng sản phẩm - niềm tự hào của doanh nghiệp Nhật

Ở công đoạn sơn - sấy, chúng ta có thể chia ra 2 cách xử lý khác nhau đối với sản phẩm có kích thước lớn và sản phẩm có kích thước nhỏ.

Các sản phẩm có kích thước nhỏ thường được sơn - sấy trên hệ thống treo. Khi sơn, sản phẩm được làm sạch sơ bộ, sau đó di chuyển vào buồng sơn. Tại đây các công ty sử dụng súng phun để sơn phủ lên bề mặt, có thể bằng súng phun tự động hoặc người thợ có kinh nghiệm trực tiếp cầm súng phun để thao tác, sản phẩm càng phức tạp, nhiều khe kẽ, lồi lõm, quá trình sơn càng phức tạp và mất nhiều thời gian.

Buồng phun sơn tại công ty Nissin Electric

Sau khi sơn, sản phẩm di chuyển qua hệ thống băng tải trong môi trường sạch, kín, sản phẩm sẽ tự khô và đến khu vực kiểm tra. Hệ thống dây chuyền như này tại các doanh nghiệp Nhật Bản được kiểm soát chặt chẽ từ việc chế tạo hàng mẫu, cách pha sơn, chọn loại sơn, nhà cung cấp sơn, sơn vật liệu gì. Đối với các sản phẩm có kích thước lớn không thể sử dụng hệ thống treo, doanh nghiệp sẽ sử dụng lò sấy để sấy sản phẩm, sau đó thiết kế những buồng sơn riêng.

Lò sấy tại công ty Kai Metal Asia

Lò sấy cỡ lớn tại công ty Nissin Electric

Các biện pháp đảm bảo an toàn lao động được thực hiện rất chặt chẽ. Người thao tác được trang bị kính, mặt nạ phòng độc, quần áo sơn cùng với găng tay. Ngoài ra, ở một doanh nghiệp có thực hiện cả sơn tĩnh điện nước, doanh nghiệp đã thiết kế thêm các bể nước chảy tràn ngay tại vị trí sơn, theo đó, sơn thừa được hút và rơi xuống lòng bể. Vì vậy, không gian sơn luôn sạch sẽ, góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khoẻ người công nhân.

Công nhân thực hiện sơn tại công ty Kai Metal Asia

Kiểm tra sản phẩm là công đoạn quan trọng tạo nên niềm tự hào của người Nhật vào chất lượng sản phẩm. Sản phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng qua từng công đoạn, kể cả công đoạn tiền xử lý để đảm bảo có được lớp sơn hoàn mỹ, có chất lượng tốt. Sản phẩm được kiểm tra bề mặt (ngoại quan), kiểm tra kích thước bằng dụng cụ đo cơ khí, dưỡng kiểm, JIG; kiểm tra độ cứng vật liệu, kiểm tra dung sai hình dạng, vị trí bằng các máy đo 2D, máy đo 3D CMM. Đặc biệt kiểm tra độ lệch màu sơn, độ bóng, độ dày của lớp sơn bằng các thiết bị chuyên dùng. Đây là công đoạn mà các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ chưa thực hiện hoặc đang thực hiện sơ sài, vì vậy sản phẩm chưa cạnh tranh và xuất khẩu.

Công đoạn kiểm tra tại công ty Nissin Electric

Về cơ bản, chúng ta nhận thấy rằng doanh nghiệp Nhật Bản có sự đầu tư về trang thiết bị một cách chỉn chu, đồng bộ hơn các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, với những kinh nghiệm lâu năm và tinh thần trách nhiệm của mình, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn có những cải tiến liên tục để tối ưu hóa quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh trang thiết bị, việc đào tạo nhân sự cũng rất được chú trọng. Doanh nghiệp có những chương trình đào tạo định kỳ để nâng cao tay nghề cho các các nhân viên. Ngoài ra, nhiều nhân sự cấp quản lý cũng là những nhân sự đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm làm việc thực tế tại Nhật Bản. Chính những nhân sự này sau khi trở về Việt Nam đã trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao và truyền lại kiến thức của họ cho những nhân viên khác trong công ty.

Triển vọng và những thách thức

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp như ô tô, máy móc công nghiệp, điện - điện tử..., ngành sơn bột cũng có rất nhiều tiềm năng phát triển. Công ty Nissin Electric chia sẻ như sau: "Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư hay dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tại Nhật Bản, sự già hóa của các kỹ sư chuyên ngành trong các lĩnh vực như hàn, sơn đang là một vấn đề nghiêm trọng. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa nếu lớp trẻ có thể trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức tốt."

Tuy nhiên, do ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển nên việc mua nguyên liệu sơn hay các trang thiết bị trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Việc phụ thuộc nguyên vật liệu vào nguồn nhập khẩu là bài toán nan giải cho nhiều doanh nghiệp trong nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp sơn tĩnh điện, việc mua nguyên liệu sơn từ nước ngoài có thể liên quan đến các chi phí như thuế nhập khẩu, phí vận chuyển quốc tế và đôi khi sẽ có biến động giá cả của nguyên liệu trên thị trường quốc tế, làm tăng chi phí sản xuất.

Mặt khác, về nhân sự, bên cạnh vấn đề liên quan đến kiến thức chuyên môn và trình độ tay nghề, nhân sự người Việt cũng thường được nhận xét là còn thiếu ý thức về chất lượng và an toàn. Những vấn đề này đặt ra một thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực sơn tĩnh điện nói riêng và ngành công nghiệp nói chung tại Việt Nam.

※Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các công ty Kai Metal Asia Co.,Ltd Nissin Electric Vietnam Co.,Ltd đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện bài viết này

Tác giả: NC Network Việt Nam, Nguyễn Hoàng Hạng
Chia sẻ

Đăng ký nhận thêm thông tin