Sau Covid-19, chúng ta chia sẻ rất nhiều về công nghệ AI/IoT, chuyển đổi số,... nhưng giữa năm 2022 đầu năm 2023 thì những thuật ngữ “phát thải carbon”, “trung hòa khí nhà kính”, “kinh tế tuần hoàn”, “phát triển bền vững” là vấn đề doanh nghiệp phải quan tâm.
Châu Âu (EU) đã chính thức thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) vào 2026.
Về bản chất, CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vẫn chưa xong giai đoạn chuyển đổi số thì chuyển đổi xanh đã tới. Sau Covid-19, chúng ta chia sẻ rất nhiều về công nghệ AI/IoT, chuyển đổi số,.... nhưng giữa năm 2022 đầu năm 2023 thì những thuật ngữ “phát thải carbon”, “trung hòa khí nhà kính”, “kinh tế tuần hoàn”, “phát triển bền vững” là vấn đề doanh nghiệp phải quan tâm.
Trong 20 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã cố gắng tuân thủ thực hành các chuẩn chất lượng như ISO hoặc HACCP và nhiều tiêu chuẩn khác để tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới. Bây giờ, chúng ta lại phải đối diện với vấn đề mới liên quan đến môi trường và phải chuyển đổi xanh, phải quan tâm tới phát thải khí nhà kính và trung hòa carbon.
Bản chất của việc chuyển đổi xanh
Trong chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần quan tâm tới 2 khái niệm cơ bản: khả năng hấp thụ và phát thải khí nhà kính phải nhỏ hơn hoặc bằng 0. Khí nhà kính bao gồm 7 loại khí : carbon dioxide (CO2), methane (CH4), nitrous oxide (N2O), hydrofluorocarbons (HFCs), perfluorocarbons (PFCs), sulphur hexafluoride (SF6) và nitrogen trifluoride (NF3) . Trong đó CO2, CH4, N2O là những khí nhà kính chính đáng lo ngại vì CO2 tồn tại trong khí quyển 1.000 năm, metan tồn tại trong khoảng 10 năm và oxit nitơ tồn tại trong khoảng 120 năm. Trong kiểm kê và báo cáo thì 7 khí nhà kính được quy đổi về 1 đơn vị carbon dioxide (CO2) tương đương và được ký hiệu là CO2e.
Hiện tại, việc kiểm kê phát thải khí carbon không đơn giản vì việc truy xuất nguồn gốc không chỉ dừng lại ở nhà máy sản xuất mà còn phải truy xuất cả những nguyên phụ liệu đầu nguồn. Bên cạnh đó, phạm vi kiểm kê không chỉ đến từ các hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp như điện cho sản xuất, khí đốt lò hơi, xăng dầu ở hoạt động giao nhận,.....mà còn kiểm kê khí nhà kính từ các hoạt động gián tiếp như : phương tiện di chuyển cá nhân của nhân viên, phương tiện công tác, chất thải khác,…Trong tương lai, nhiều khả năng các doanh nghiệp bắt buộc phải có kho dữ liệu về phát thải nhà kính được cập nhật thường xuyên mà bên cần thiết có thể truy xuất được. Đó là lý do, vì sao trước khi chuyển đổi xanh chúng ta cần phải chuyển đổi số.
Những giải pháp chúng ta có thể làm giảm phát thải khí nhà kính
LEGO đã truyền thông rằng: Nhà máy LEGO tại Việt Nam có phát thải carbon bằng 0 và một trong những giải pháp của LEGO đã thực thi là lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời áp mái và VSIP sẽ thay mặt LEGO xây dựng một dự án năng lượng mặt trời kế bên. Từ đó, mạng lưới năng lượng mặt trời này sẽ sản xuất đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% yêu cầu hàng năm của nhà máy. Trước làn sóng chuyển đổi xanh, nhiều nhà máy FDI tại Việt Nam đã đầu tư máy móc – công nghệ để tự động hóa sản xuất nhằm giảm tiêu hao năng lượng và lao động từ con người. Ngược lại, nếu phát thải carbon của doanh nghiệp quá cao, thì họ phải mua các tín chỉ carbon để bù lại.
Trong năm 2023, tại Việt Nam công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường được tích cực đẩy mạnh với các hoạt động như: tiết kiệm điện, sử dụng phương tiện di chuyển bảo vệ môi trường,....đây được xem là những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính hay tăng cường trồng nhiều cây xanh, trồng rừng được xem là bể hấp thụ khí nhà kính.
Theo chia sẻ từ ông Huỳnh Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ Phần Leanwares & bà Phan Thị Ngọc Yểm - Tổng thư ký Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam
Văn phòng Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam tổng hợp