Trong khi nhà xưởng của doanh nghiệp Việt Nam thường gia công cho rất nhiều khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Vậy trường hợp nếu tỷ trọng linh kiện sản xuất cho khách hàng châu u chỉ chiếm 10% - 15% doanh thu, thì liệu doanh nghiệp có đáng đầu tư cho việc chuyển đổi xanh hay không?
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không đơn thuần là ứng dụng công nghệ mà nó giúp thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đầu tư chuyển đổi xanh là phải tái cấu trúc cả giá trị vô hình lẫn hữu hình, cả văn hóa doanh nghiệp lẫn hệ thống sản xuất, nhưng hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là sản xuất nhỏ lẻ và không tập trung.
Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đa số doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa , là OEM (Original Equipment Manufacturer) - đóng vai trò gia công thứ cấp (F2 hoặc F3) trong chuỗi cung ứng. Vì vậy việc thực thi kiểm kê khí nhà kính hay khí thải gián tiếp trên một sản phẩm cho khách hàng – nghĩa là số lượng carbon thâm dụng của một linh kiện trong một sản phẩm hoàn chỉnh là một vấn đề rất khó cho doanh nghiệp để đáp ứng tất cả các quy định kiểm kê khí nhà kính trong khi chuỗi cung ứng thì phức tạp, nhân sự và tài chính để thực hiện chưa có. Ví dụ doanh nghiệp B -là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sản xuất sản phẩm motor cung ứng cho nhà sản xuất A lắp ráp ra sản phẩm hoàn thiện là máy quạt xuất khẩu thị trường EU. Theo yêu cầu nhà sản xuất A thì doanh nghiệp B phải khai báo số lượng carbon thâm dụng của sản phẩm motor cấu thành trong sản phẩm máy quạt. Như vậy, doanh nghiệp B sẽ tiếp tục truy xuất số lượng carbon thâm dụng của nguyên phụ liệu đầu vào để cấu thành sản phẩm motor như: dây đồng, thép, nhôm, nhựa..... Vậy khi một doanh nghiệp đầu chuỗi truy xuất nguồn gốc không chỉ dừng lại ở nhà máy sản xuất mà còn phải truy xuất cả những nguyên phụ liệu đầu nguồn của sản phẩm (Theo tiêu chuẩn ISO 14067- Dấu chân Carbon của một sản phẩm). Vì vậy, đối với một doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, để theo đuổi mục tiêu chuyển đổi xanh là điều không dễ dàng.
Trong khi đó, nhà xưởng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thường gia công cho rất nhiều khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Vậy trường hợp nếu tỷ trọng linh kiện sản xuất cho khách hàng châu Âu chỉ chiếm 10% - 15% doanh thu, thì liệu doanh nghiệp có đáng đầu tư cho việc chuyển đổi xanh hay không?
Lãnh đạo doanh nghiệp ra quyết định như thế nào?
Nhà máy xanh, sản xuất xanh, sản phẩm xanh, xuất khẩu xanh đang là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vì vậy lãnh đạo doanh nghiệp cần bình tĩnh đưa chiến lược phát triển doanh nghiệp và cả chiến lược chuyển đổi xanh hiệu quả và phù hợp nội tại doanh nghiệp.
Lãnh đạo doanh nghiệp ‘liệu cơm gắp mắm’, căn cứ vào nội lực của doanh nghiệp để chọn thị trường phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đủ năng lực hoặc đánh giá thị phần không đáng để đầu tư chuyển đổi xanh thì có thể ‘nói không’ với thị trường ‘xanh” châu Âu và ưu tiên phát triển tại thị trường trung cấp – đòi hỏi ‘ít xanh’ hơn và chuẩn bị thêm cho chuyển đổi xanh . Vì theo xu hướng vận hành của chuỗi cung ứng thế giới, chuyển đổi xanh là lộ trình không thể đảo ngược của doanh nghiệp trong cuộc chơi toàn cầu tức là doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi xanh tuy nhiên thời điểm nào là phù hợp với doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp quyết định.
Với các doanh nghiệp quyết định xông pha vào chuyển đổi xanh, thì ngay từ bây giờ, doanh nghiệp phải bắt tay vào thay đổi chiến lược vận hành – triển khai – thực thi để bắt kịp thời cuộc. Nếu doanh nghiệp Việt Nam chủ động triển khai chuyển đổi xanh sẽ sớm bảo vệ sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và đặt nền móng bền vững cho tương lai. Các doanh nghiệp chuyển đổi xanh đang được hỗ trợ lớn, có nhiều cơ hội, cho nên doanh nghiệp nào tiên phong chuyển đổi xanh sẽ được hưởng nhiều lợi ích. Nhưng doanh nghiệp cần chứng minh được mô hình sản xuất xanh, sản phẩm xanh được “chứng nhận xanh” của bên thứ ba độc lập hoặc báo cáo chi tiết về tính hiệu quả với môi trường để được nhận những góp hỗ trợ từ chính phủ, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, nhìn lại thực tế năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, khủng hoảng thì ưu tiên đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam là sống sót, nên lãnh đạo doanh nghiệp cần “ chân vững tâm kiên” đưa ra quyết định phù hợp đừng để rơi vào trường hợp ‘chưa chuyển đổi xanh đã xanh mặt “.
Theo chia sẻ từ ông Huỳnh Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ Phần Leanwares & bà Phan Thị Ngọc Yểm - Tổng thư ký Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam
Văn phòng Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam tổng hợp
Đọc thêm >>
Hành trình chuyển đổi xanh của Việt Nam (Kỳ 1) "Số" chưa xong thì "xanh" đã tới