Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vẫn đang tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng của năm nay. Trong số đó, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án đầu tư mới và chiếm 29,7% tổng số dự án. Những địa phương đang nổi lên là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc có thể kể đến là Hải Phòng, Bình Dương hay Bắc Ninh.
Trong khi đó, Singapore vẫn là quốc gia dẫn đầu về số vốn đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng năm nay với 6,52 tỷ USD, chiếm 36,2% tổng vốn đầu tư và tăng 79,1% so với cùng kỳ năm 2023. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ hai với hơn 2,19 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp sau đó là các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tín hiệu tích cực có thể nhận thấy là việc vốn FDI từ Trung Quốc tới từ nhiều tập đoàn có quy mô quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, điện-điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, xe điện. Trước đây, vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam thường tập trung vào các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, giày da, may mặc, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa…Trong những năm gần đây, vốn đầu tư từ Trung Quốc đã chuyển dịch sang những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh.
Mới đây, Tập đoàn BOE của Trung Quốc cũng đã đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị đầu cuối thông minh tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư lên tới 277,5 triệu USD. Nhà máy này sẽ chuyên sản xuất màn hình cho máy tính, tivi, bo mạch và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026. Trước đó, tập đoàn này cũng đã đưa vào hoạt động 1 nhà máy tại Đồng Nai vào năm 2019.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang đặt mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính để tạo động lực bứt phá; tập trung thu hút các dự án FDI lớn, chất lượng, công nghệ cao thuộc các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn.