Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các công ty đang tìm kiếm những địa điểm di dời cơ sở sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng.
Dữ liệu gần đây từ S&P Global Market Intelligence cho biết bức tranh nền sản xuất toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Việt Nam đã nổi lên là địa điểm hàng đầu trong xu hướng dịch chuyển sản xuất, vượt qua cả Mexico.
Một cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 5 năm 2024 cho biết hơn 35% các công ty Việt Nam ghi nhận nhu cầu gia tăng từ các nhà sản xuất quốc tế trong năm qua. Trong khi đó, chỉ 15% công ty ở Mexico có mức tăng trưởng tương tự.
Samsung đã đầu tư mạnh vào các nhà máy tại Việt Nam để sản xuất thiết bị điện tử. Nike và Adidas đã dịch chuyển một phần đáng kể dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Intel cũng đã thiết lập sự hiện diện đáng kể với một nhà máy sản xuất chíp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những khoản đầu tư "khủng" từ những tên tuổi lớn trên toàn cầu là những minh chứng rõ ràng cho sự hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư.
Một số yếu tố dẫn đến thành công của Việt Nam có thể kể đến như: Vị trí địa lý thuận lợi để tiếp cận với các thị trường lớn ở châu Á. Nguồn lao động dồi dào có tay nghề cao với chi phí cạnh tranh, thu hút các công ty đang tìm kiếm phương pháp tối ưu hóa chi phí. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành và thực thi rất nhiều chính sách khuyễn khích, thu hút đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia ước tính thời gian di dời đầu tư nằm trong khoảng 10 - 12 năm. Khung thời gian này làm tăng thêm tính cấp bách cho cuộc cạnh tranh giữa các trung tâm sản xuất mới nổi, yêu cầu các quốc gia cần hành động nhanh chóng để thu hút và giữ lại các khoản đầu tư này.