Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Bảy diễn ra vào chiều 5/8 vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 đến nay, sản xuất công nghiệp của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực và có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.
Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 7 đạt mức 54,7 điểm và đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 đến nay. Sản lượng sản xuất đã tăng mạnh nhờ số đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ 4 liên tiếp.
Trong khi đó chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tháng 7 tăng 0,7% so với tháng 6 và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, IIP 7 tháng của năm 2024 tăng trên diện rộng khi mà có tới 60 địa phương ghi nhận chỉ số này tăng so với cùng kỳ năm trước.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, kết quả trên đạt được là do năng lực sản xuất của các doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực và các doanh nghiệp cho thấy đã sẵn sàng tận dụng những cơ hội để tiếp cận các thị trường mới trong thời gian tới. Ngoài ra, niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như nước ngoài đã được củng cố mạnh mẽ nhờ các chính sách hỗ trợ sản xuất, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng chỉ ra những thách thức mà kinh tế nói chung và ngành sản xuất công nghiệp của nước ta vẫn đang phải đối mặt như nội lực sản xuất trong nước còn yếu; sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện; tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp với các căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn vẫn đang phải đối mặt với áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật; thị trường trong nước tăng trưởng thấp.
Để tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong các lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...; tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp sản xuất lớn trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế để thúc đẩy liên kết, nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.