Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) sẽ hợp tác với EN Technologies (Hàn Quốc) để phát triển hệ thống trạm sạc xe điện tại Việt Nam, qua đó hướng tới mục tiêu thúc đẩy năng lượng sạch và giảm ô nhiễm môi trường.
Trước mắt, PV Power sẽ thí điểm xây dựng trạm sạc đầu tiên của mình với diện tích từ 30 đến 35 m2 tại số 6 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Trạm sạc này sẽ có 2 cây sạc dạng tủ đứng, được trang bị 2 cổng sạc với công suất 50 – 60 kW/cổng sạc. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ Đồng (73.000 USD) với tổng công suất sử dụng 100 – 120 kW. Trạm sạc này dự kiến được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2024.
Sau trạm sạc đầu tiên, PV Power đang có kế hoạch triển khai thí điểm thêm 2 trạm sạc nữa tại đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Sau 2 năm triển khai thí điểm, công ty sẽ đánh giá lại mức độ hiệu quả của dự án để hướng tới mục tiêu xây dựng 1000 trạm sạc trên khắp Việt Nam vào năm 2035.
Theo PV Power, việc phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện tại Việt Nam có tiềm năng nhưng cũng còn nhiều rủi ro và thách thức. Chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi trạm sạc hiện đang còn khá cao và quá trình thu hồi vốn có thể phải kéo dài nếu doanh thu không đạt như dự kiến. Trong đầu tư, các doanh nghiệp cũng thường phải vay đến 70% vốn khi mà không nhiều doanh nghiệp có sẵn tiên đầu tư. Với những lĩnh vực mới như hạ tầng trạm sạc, điều này sẽ càng làm tăng thêm những rủi ro tài chính.
Cùng với đó, quá trình làm thủ tục để xây dựng trạm sạc đang còn gặp nhiều khó khăn. Việc tìm vị trí phù hợp để có đủ công suất điện lắp đặt trạm sạc, phát triển hệ thống trạm sạc đa năng có thể tương thích cho nhiều dòng xe của các thương hiệu khác nhau cũng đang là những rào cản cho doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực này.
Để phát triển hệ thống trạm sạc xe điện đồng bộ, hiệu quả, PV Power đề xuất cần xây dựng những chính sách, pháp lý tổng thể và các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật…Ngoài ra, cũng cần có cơ chế giá điện cho trạm sạc để khuyến khích cả nhà đầu tư cùng người dùng xe điện. Bên cạnh đó, cũng cần có những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn cho nhà đầu tư để sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện xây dựng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là các trụ sạc nhanh; ưu đãi về thuế, nguồn cung điện để các trạm sạc có thể hoạt động hiệu quả.