Theo dữ liệu được Chính phủ Nhật Bản công bố vào ngày 17/4, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong năm tài chính 2023 đã đạt mức cao kỷ lục để giúp thâm hụt thương mại của quốc gia này giảm khoảng 70% so với năm tài chính trước đó xuống còn 5.890 tỷ Yên (38 tỷ USD).
Theo đó trong năm tài chính 2023 kết thúc vào tháng 3 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng 3,7% để đạt mức 102.900 tỷ Yên. Đây cũng đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản chạm mốc 100.000 tỷ Yên và là năm thứ 3 liên tiếp quốc gia này chứng kiến kim ngạch xuất khẩu của mình đạt kỷ lục mới.
Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản trong năm tài chính 2023 giảm 10,3% xuống còn 108.790 tỷ Yên, đánh dấu lần đầu tiên kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này suy giảm trong 3 năm gần đây khi mà giá than, khí tự nhiên hóa lỏng và dầu thô đều giảm ở mức 2 chữ số.
Chỉ trong tháng 3 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tăng 7,3% để đạt 9.470 tỷ Yên. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu của tháng 3 giảm 4,9% xuống 9.100 tỷ Yên. Kết quả nói trên giúp cho thâm hụt thương mại của Nhật Bản giảm đáng kể trong năm tài chính 2023. Dù vậy đây vẫn là năm thứ 3 liên tiếp Nhật Bản thâm hụt thương mại dù cho mức thâm hụt đã giảm đáng kể so với mức 22.060 tỷ Yên của năm tài chính 2022.
Xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường Mỹ đặc biệt là với mặt hàng ô tô tiếp tục tăng trưởng để bù đắp lại nhu cầu yếu của thị trường Trung Quốc – một thị trường xuất khẩu quan trọng khác của Nhật Bản. Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ trong năm tài chính vừa qua tăng tới 37,8% để đạt 9.140 tỷ Yên trong đó kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường này tăng tới 11,6% để đạt mức kỷ lục 20.860 tỷ Yên. Kim ngạch xuất khẩu ô tô của Nhật Bản trong năm tài chính 2023 cũng đã tăng tới 30,2% lên 17.880 tỷ Yên, vượt qua kỷ lục 14.670 tỷ Yên của năm tài chính 2007.
Theo chuyên gia kinh tế Yuichi Kodama tới từ Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, xuất khẩu của Nhật Bản trong năm qua có tăng trưởng tích cực nhưng cũng chưa thể quá lạc quan khi mà sự tăng trưởng này phụ thuộc nhiều vào mặt hàng ô tô. Kinh tế Mỹ vẫn đang cho thấy sự bền bỉ nhưng không loại trừ khả năng nền kinh tế này sẽ tiếp tục gặp những khó khăn khi mà lãi suất vẫn ở mức cao. Kinh tế Trung Quốc lúc này cũng vẫn đang ở trạng thái đình trệ trong khi xung đột giữa Iran và Israel sẽ tiếp tục tạo ra những sự bất ổn cho kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc khá nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu vì thế giá dầu thô tăng cao trong bối cảnh khu vực Trung Đông căng thẳng có thể sẽ khiến chi phí tại Nhật Bản từ đó tăng theo.