Trung Quốc đang có kế hoạch huy động 27 tỷ USD để thành lập thêm một quỹ hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn.
Theo Bloomberg, Trung Quốc đang tập trung nguồn lực để xây dựng một quỹ hỗ trợ ngành bán dẫn với số tiền khổng lồ có thể lên tới 27 tỷ USD trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang chuẩn bị tăng cường các biện pháp hạn chế công nghệ với các ngành công nghệ cao của Trung Quốc như chip hay trí tuệ nhân tạo (AI).
Quỹ này sẽ là một phần trong kế hoạch “Quỹ lớn” (Big Fund) của Trung Quốc để phát triển ngành bán dẫn và sẽ là quỹ lớn nhất từ trước tới nay. Phần lớn nguồn vốn của quỹ mới này sẽ tới từ chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó Trung Quốc từng thành lập 2 quỹ tương tự vào các năm 2014 và 2019. Dự kiến số tiền để thành lập quỹ thứ 3 này sẽ còn cao hơn con số 200 tỷ Nhân dân tệ của quỹ thứ 2 được thành lập trước đó để cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Bloomberg, chính quyền Thượng Hải và một số thành phố khác cùng các tập đoàn lớn như Chengtong Holdings Group hay Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Nhà nước đã cam kết tài trợ hàng tỷ Nhân dân tệ cho quỹ này. Quỹ sẽ tiếp tục được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho những công ty bán dẫn của Trung Quốc, qua đó giúp họ có nguồn lực để cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
Được thành lập từ năm 2014, “Quỹ lớn” cho tới nay đã thu hút được khoảng 45 tỷ USD để góp phần không nhỏ hỗ trợ các nhà sản xuất chip của Trung Quốc như Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) hay Yangtze Memories Technologies. Những công ty nhận được sự giúp đỡ của “Quỹ lớn” không chỉ được hỗ trợ về tài chính mà còn nhận được cả những ưu đãi về chính sách cũng như được mở ra thêm những cơ hội đầu tư mới để đẩy nhanh sự phát triển.
Việc kêu gọi khoản tiền lớn để phát triển ngành bán dẫn tiếp tục thể hiện nỗ lực tự chủ của Trung Quốc để giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong bối cảnh những căng thẳng địa chính trị đang xuất hiện. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cho thấy những tiến bộ đáng kinh ngạc về công nghệ nhưng một số báo cáo cho biết những tập đoàn công nghệ lớn của quốc gia này như Huawei hay SMIC vẫn đang đang chưa thể tự chủ trong việc sản xuất chip tiên tiến khi mà họ vẫn cần tới một số nền tảng công nghệ của nước ngoài.