Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 9 vừa qua đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm do những tác động từ siêu bão Yagi.
Vào ngày 1/10 vừa qua, S&P Global đã công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam.
Theo đó, bão Yagi đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 9 khi mà mưa lớn và lũ lụt đã khiến cho một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh cũng như gây ra sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng, từ đó dẫn tới việc sản lượng, số lượng đơn hàng mới, hoạt động mùa hàng và tồn kho hàng hóa đều giảm. Dù vậy, đây chỉ là sự suy giảm tạm thời khi mà các doanh nghiệp vẫn đang tự tin vào triển vọng sản xuất để tăng cường hoạt động tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, áp lực chi phí trong tháng qua vẫn tương đối yếu và giá cả đầu ra chỉ tăng nhẹ.
Theo báo cáo của S&P Global, PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 9 giảm từ 52,4 xuống 47,3 điểm để cho thấy tình hình kinh doanh suy giảm sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh. Đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Siêu bão Yagi khiến cho sản lượng sản xuất giảm đáng kể trong tháng 9 vừa qua và cũng chấm dứt chuỗi 5 tháng liên tiếp tăng trưởng. Sau khi tăng mạnh trong tháng 8, sản lượng sản xuất đã suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2023.
Tương tự sản lượng sản xuất, số lượng đơn hàng mới trong tháng 9 cũng suy giảm do ảnh hưởng của siêu bão. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng suy giảm nhưng tốc độ suy giảm yếu hơn nhiều so với tốc độ giảm của tổng số đơn hàng khi mà nhu cầu của thị trường quốc tế tăng trưởng tương đối tốt.
Với việc sản lượng và số đơn hàng mới giảm, các doanh nghiệp cũng đã thu hẹp hoạt động mua hàng lần đầu tiên trong vòng 6 tháng gần đây.
Các nhà sản xuất cũng phải đối mặt với tình trạng thời gian giao hàng của nhà cung cấp kéo dài hơn đáng kể khi mà lũ lụt đã ảnh hưởng tới giao thông. Điều này dẫn tới việc lượng tồn kho hàng mua giảm đáng kể. Thậm chí mức giảm này cao thứ 2 trong lịch sử chỉ số khi chỉ xếp sau mức giảm của tháng 4/2020, tháng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Lượng tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm trong tháng 9.
Sự gián đoạn của dây chuyền sản xuất và hoạt động kinh doanh do bão đã khiến lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng và đây là mức tăng mạnh nhất trong 2 năm rưỡi trở lại đây.
Sự gián đoạn trong ngành sản xuất dự kiến chỉ là tạm thời và các nhà sản xuất vẫn tin tưởng sản lượng sẽ tăng trong năm tới. Tâm lý kinh doanh của các nhà sản xuất trong tháng 9 cũng tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng gần đây khi mà họ tin tưởng nhu cầu thị trường sẽ mạnh lên.
Việc niềm tin vào số lượng đơn hàng mới sẽ tăng khiến các nhà sản xuất tăng nhẹ số lượng lao động trong tháng 9 sau khi giảm trong tháng trước. Số lượng việc làm trong ngành sản xuất cũng đã tăng 3 trong 4 tháng gần nhất.
Mặc dù chi phí đầu vào tăng do giá nguyên liệu thô và chi phí vận chuyển tăng nhưng tỷ lệ lạm phát đã giảm và ở mức tương đối khiêm tốn. Về giá bán hàng, một số doanh nghiệp đã tăng giá do chi phí đầu vào cao nhưng cũng có một số công ty tận dụng mức tăng yếu của chi phí để giảm giá cho khách hàng.
Theo Giám đốc Kinh tế của S&P Global Market, ông Andrew Harker, bão Yagi đã ảnh hưởng lớn tới ngành sản xuất Việt Nam trong tháng qua khi khiến cho hoạt động kinh doanh, chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất đình trệ để kết thúc thời kỳ tăng trưởng mạnh của ngành. Dù vậy ngành sản xuất được dự báo sẽ phục hồi nhanh chóng sau bão khi mà nhu cầu thị trường vẫn đang thuận lợi. Các doanh nghiệp cũng đang cho thấy sự lạc quan về triển vọng trong năm tới để tăng số lượng việc làm ngay cả khi lượng công việc giảm.