Khi thực hiện chủ đề này, tác giả đã nhận thêm được nhiều chia sẻ thú vị của các công ty làm về gia công cắt gọt – một trong những khách hàng thường xuyên của lĩnh vực xử lý nhiệt. Từ đó, tác giả đã hiểu rõ thêm về sự khác biệt giữa việc triển khai hoạt động gia công cắt gọt (có yêu cầu xử lý nhiệt) tại Việt Nam so với tại Nhật Bản, đây sẽ là những thông tin thực tế hữu ích mà các doanh nghiệp Nhật nên biết khi quyết định đặt hàng từ nhà cung cấp Việt Nam.
Bài viết này chủ yếu đề cập đến "tôi thép (焼き入れ)", một trong bốn loại hình nhiệt luyện cơ bản (ủ, thường hóa, tôi, ram).
Có những phương án có thể thay thế cho xử lý nhiệt khi đặt hàng tại Việt Nam
Một quy trình gia công cơ bản có thể được tóm tắt đơn giản như hình sau.
Tại Nhật Bản, chuỗi cung ứng bao gồm đầy đủ: nhà cung ứng nguyên liệu, nhà gia công, nhà xử lý nhiệt được bố trí rất gần nhau, giúp cho quy trình gia công được thực hiện khép kín trong 1 khu vực. Việc xử lý nhiệt tại Nhật Bản cũng đạt đến trình độ rất cao, nhờ hệ thống thiết bị đồng bộ, kỹ thuật và quy trình quản lý tốt. Vì vậy, nhiều linh kiện chỉ cần dùng đến thép nhẹ, sau đó xử lý nhiệt để đạt được độ cứng theo yêu cầu bản vẽ.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các điều kiện sản xuất lại hoàn toàn khác. Việc không có được chuỗi cung ứng nội địa hoàn chỉnh (đa số nguyên liệu phải nhập khẩu, nhiều lĩnh vực sản xuất chưa phát triển...) dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam dù có đủ kỹ thuật gia công cũng khó có thể đáp ứng được chỉ định vật liệu, chỉ định xử lý bề mặt theo bản vẽ. Cụ thể:
- Trước đây, có rất ít đơn vị chuyên làm về xử lý nhiệt, điều này dẫn đến đa phần công ty nhà nước về gia công cơ khí phải tự trang bị lò xử lý nhiệt (như đã giới thiệu ở phần trước), tuy nhiên, thiết bị được đầu tư từ vài chục năm trước nên hiện tại đa phần đều đã cũ, công nghệ lạc hậu. Trong khoảng 5~10 năm trở lại đây, đã xuất hiện nhiều công ty chuyên về xử lý nhiệt hơn, đáp ứng được phần nào nhu cầu của ngành, chi tiết sẽ được trình bày ở phần sau của bài viết.
- Vị trí của các nhà máy không có tính liên kết, nhà máy gia công và nhà máy xử lý nhiệt không ở gần nhau. Điều này một phần là do quy hoạch và chính sách của nhà nước và các địa phương, phát triển khu công nghiệp chủ yếu nhằm thu hút đầu tư nước ngoài hoặc các tập đoàn lớn của Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ địa phương khó có khả năng thuê đất dài hạn tại đây. Chính sách hỗ trợ thuê đất công nghiệp, hỗ trợ tài chính, thuế cho doanh nghiệp sản xuất trong giai đoạn trước cũng rất hạn chế, hầu như doanh nghiệp phải "tự lực cánh sinh" là chính. Vì vậy, đa số các doanh nghiệp trong những năm đầu hoạt động đều phải thuê/mua lại đất tư nhân hoặc trong các cụm công nghiệp nhỏ để làm nhà xưởng. Bản đồ các nhà máy công nghiệp phụ trợ Việt Nam có sự phân bố không đều như vậy, dẫn đến chi phí vận tải tăng, thời gian xử lý đơn hàng tăng. Chưa kể đến chất lượng của các đơn vị xử lý nhiệt trong nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt một số linh kiện gia công theo đơn đặt hàng của khách hàng Nhật có kích thước nhỏ, sau khi gia công lần 1, đem đi xử lý nhiệt thì góc 0 bị nở ra không thể gá đặt lại trên máy gia công. Vì những lý do này làm cho thời gian, chi phí kiểm hàng, gia công lần 2 tăng lên, đây cũng là một trong những khó khăn lớn gây cản trở việc xử lý đơn hàng gia công của doanh nghiệp địa phương.
Giải pháp mà một đơn vị gia công cắt gọt có quy mô lớn của Việt Nam (kinh nghiệm hơn 14 năm làm việc với khách hàng Nhật, sở hữu hơn 160 máy gia công) đã thực hiện là "gia công trên loại thép có độ cứng đáp ứng yêu cầu hoàn thiện cuối cùng của bản vẽ". Cụ thể là đơn vị này đã phân tích bản vẽ về các điểm như hình dạng linh kiện, độ cứng yêu cầu, mục đích sử dụng... để tìm giải pháp gia công phù hợp mà không cần xử lý nhiệt. Cách làm này làm tăng chi phí vật liệu, chi phí hao mòn dao cụ nhưng ngược lại giúp doanh nghiệp chủ động được thời gian và chất lượng gia công. Doanh nghiệp cho biết: "Đề xuất này ban đầu rất khó thuyết phục khách hàng Nhật. Đúng là nếu nhìn về hiệu quả gia công, thì cách làm như vậy có vẻ vừa tốn công, vừa tốn chi phí, nhưng nếu đặt vào bối cảnh thực tế tại Việt Nam thì đây lại là một lựa chọn khá hợp lý. Sau khi chúng tôi thực hiện xong, tổng chi phí thực hiện còn thấp hơn việc tuân theo chỉ thị ban đầu của bản vẽ (tức: gia công trên thép nhẹ sau đó xử lý nhiệt làm cứng), thì cũng có khách hàng đã chấp nhận đề xuất này. Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhật rất thận trọng, khó chấp nhận sự thay đổi mạo hiểm này, nên hiện tại, số đơn hàng mà chúng tôi thực hiện theo cách làm này chỉ chiếm khoảng 5%, còn lại 95% vẫn cần đưa ra nhà cung cấp bên ngoài để xử lý nhiệt."
Trong 5 năm trở lại đây, số lượng đơn vị làm xử lý nhiệt nở rộ
Như giới thiệu ở bài viết trước, trước đây tại Việt Nam có rất ít công ty địa phương chuyên làm về xử lý nhiệt, vì vậy đa phần các công ty gia công cơ khí lớn (chủ yếu là công ty nhà nước) đều phải tự trang bị thiết bị xử lý nhiệt để đáp ứng nhu cầu nội bộ. Thiết bị, công nghệ của các đơn vị địa phương chuyên về xử lý nhiệt thời điểm đó cũng tương đối cũ, lạc hậu, chủ yếu là máy móc của Trung Quốc, doanh nghiệp vừa làm vừa "mày mò", nên chỉ có thể đáp ứng được các đơn hàng có yêu cầu chất lượng không cao. Nhóm linh kiện cơ khí công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là của khách hàng Nhật có yêu cầu chất lượng cực kỳ cao, nhiều trường hợp đã chỉ thị sẵn cần mua nguyên liệu từ đơn vị nào, hoặc xử lý nhiệt bắt buộc phải thực hiện tại công ty Nhật... Vì vậy, một số ít công ty Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... đầu tư vào Việt Nam, với thế mạnh về thiết bị và quy trình kiểm soát chất lượng tốt, nên gần như "chiếm trọn" thị phần mảng xử lý nhiệt.
Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng đơn vị xử lý nhiệt địa phương đã tăng lên nhanh chóng. Đa phần được khởi nghiệp bởi nhân sự người Việt đã làm việc tại những công ty xử lý nhiệt nước ngoài, các công ty này mua thiết bị của Trung Quốc, Việt Nam, hoặc tự sản xuất (lõi máy của Trung Quốc, đặt gia công vỏ máy tại Việt Nam...), nhận tất cả đơn hàng kể cả số lượng nhỏ, thời gian gấp. Để mở một xưởng xử lý nhiệt với các thiết bị hiện đại, quy trình đồng bộ là rất tốn kém (theo chia sẻ của 1 công ty Nhật chuyên về tôi cao tần, có khi lên tới hàng triệu USD), nhưng nếu chỉ là 1~2 lò của Trung Quốc hay Việt Nam với công nghệ cũ thì không hề khó, vấn đề lớn nhất mà các đơn vị này gặp phải khi thành lập là về mặt pháp lý. Lò xử lý nhiệt tạo ra bức xạ nhiệt lớn ra xung quanh, vì vậy cần được giám sát môi trường chặt chẽ. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có nhận thức đầy đủ về xử lý nhiệt, thường gộp chung với các lò rèn thông thường (lò rèn lộ thiên kiểu cũ đã từng có rất nhiều tại Việt Nam, là hình ảnh quen thuộc gắn với tuổi thơ của nhiều người thế hệ 7x, 8x), nên việc cấp phép và quản lý còn lỏng lẻo, dẫn đến các đơn vị xử lý nhiệt mới mở của Việt Nam cũng không quan tâm đầu tư phần này, chỉ cần có lò là có thể hoạt động.
Từ phía đặt hàng, yêu cầu chất lượng dường như không còn quá khắt khe như trước (không chỉ định vật liệu, tự lựa chọn đơn vị xử lý nhiệt...) giúp các công ty gia công có thêm nhiều sự lựa chọn hơn, từ đó các công ty xử lý nhiệt của địa phương - với lợi thế cạnh tranh về giá cả và thời gian giao hàng - dần có thị phần nhiều hơn trên thị trường.
Lò xử lý nhiệt cỡ lớn tại công ty Pro-Vision
Người thực hiện: NC Network Vietnam JSC Nguyễn Thu Phương
Chân thành cảm ơn sự hợp tác của công ty CNCTech, Pro-Vision, Oristar, KDH!