Báo cáo ngành 15/02/2023, 10:25

Ngành xử lý nhiệt Việt Nam (Tiếp theo - Phần 3)

Cân bằng QCD không chỉ là vấn đề của riêng lĩnh vực xử lý nhiệt, nhưng trong ngành này, có những yếu tố tác động đặc biệt mà nhà mua hàng cần lưu ý khi dự định đặt hàng tại Việt Nam.

Ngành xử lý nhiệt Việt Nam (Tiếp theo - Phần 3)

Đảm bảo QCD - bài toán đối với lĩnh vực xử lý nhiệt

Chọn chất lượng hay chọn giá cả

Có thể nói lĩnh vực xử lý nhiệt tại Việt Nam được phân ra thành 2 nhóm lớn, đó là nhóm "ưu tiên giá thành" (loại hàng nào cũng nhận) và nhóm "ưu tiên chất lượng". Nếu sắp xếp theo chất lượng giảm dần - giá giảm dần, thì thứ tự sẽ lần lượt là Doanh nghiệp Nhật Bản - Doanh nghiệp nước ngoài khác (Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc...) - Doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, một số công ty của Nhật Bản, Trung Quốc... cung cấp nguyên liệu thép cũng có thêm dịch vụ xử lý nhiệt cho khách hàng đã mua nguyên liệu và có nhận thêm đơn hàng ngoài. Công ty Nhật Bản có thiết bị tốt, quy trình quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, kéo theo giá thành cao, thời gian xử lý lâu hơn. Ngược lại, công ty Trung Quốc hay Việt Nam, đến 90% là thiết bị của Trung Quốc, Việt Nam, không ít công ty sẵn sàng nhận đơn hàng nhỏ (ghép các linh kiện khác nhau để cho vào lò trong cùng 1 lần), cắt bớt quy trình để giao hàng nhanh... nên có báo giá rẻ hơn nhiều so với các đơn vị Nhật Bản (thường không ghép lò, không chấp nhận cắt bớt thao tác), và có thể giao hàng ngay trong ngày hoặc vào ngày hôm sau. Tuy nhiên đi kèm với giá thành rẻ thì khách hàng cũng sẽ thường xuyên gặp phải các rủi ro như sai độ cứng, biến dạng chi tiết, cơ tính bị thay đổi, chất lượng ko ổn định..., và chấp nhận tỷ lệ sai hỏng, sửa lại cao. Theo một công ty cho biết: "Mặc dù tỷ lệ phải sửa lại cao, nhưng tính tổng cả chi phí xử lý nhiệt và chi phí sửa lại hàng lỗi thì vẫn thấp hơn so với thuê xử lý nhiệt tại công ty Nhật, nên với những đơn hàng không yêu cầu độ khó cao, khách không có chỉ định đơn vị xử lý nhiệt thì chúng tôi vẫn sử dụng công ty Việt Nam. Hoặc chúng tôi sẽ báo giá cho khách ngay từ đầu về giá thành xử lý nhiệt ở các đơn vị khác nhau để khách cân nhắc và quyết định."

Ngoài thiết bị, công nghệ, sự khác biệt lớn nhất giữa công ty xử lý nhiệt Nhật Bản và Việt Nam là ở quy trình quản lý chất lượng. Nếu như các đơn vị của Nhật Bản có quy trình quản lý chất lượng rõ ràng, được tuân thủ triệt để (kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ... Như tại Pro-Vision là định kỳ 3 tháng/lần) thì ngược lại, nhiều đơn vị của Việt Nam chỉ sửa chữa khi bị hỏng, hiện tượng bị nổ lò do quá nhiệt (do không có quy trình bảo dưỡng nên không nhận biết được vấn đề của lò) không phải là chuyện hiếm. Thậm chí, có những trường hợp doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng cắt bớt quy trình xử lý để có thể giao hàng nhanh theo yêu cầu gấp của khách hàng (có trường hợp một số khách hàng chỉ yêu cầu độ cứng, thời gian gấp nên đề nghị nhà cung cấp lược bớt quy trình), điều mà doanh nghiệp Nhật Bản - vốn luôn khắt khe về chất lượng - không bao giờ chấp nhận thực hiện.

Oristar có lẽ là một trong số rất ít công ty xử lý nhiệt của Việt Nam có hướng đi khác biệt. Vốn dĩ là nhà nhập khẩu và thương mại thép chế tạo, gần đây Oristar đã mở rộng thêm sang lĩnh vực xử lý nhiệt với mong muốn góp phần tạo ra chuỗi giá trị hoàn thiện cho khách hàng (cung cấp nguyên liệu đầu vào tốt - hỗ trợ xử lý đầu ra tốt). Oristar đầu tư hệ thống lò tôi chân không làm lạnh bằng khí ni tơ áp suất cao, lò thấm ni tơ chân không... mới 100% nhập khẩu từ Đức. Đại diện công ty chia sẻ: "Mỗi loại nguyên liệu, mỗi loại linh kiện sẽ cần đến một quy trình xử lý nhiệt phù hợp, hiện tại công suất lò của Oristar có thể xử lý 300~400kg/lần nhưng đơn hàng chỉ vài chục kg thì chúng tôi cũng đang chấp nhận chịu lỗ để xử lý nhiệt riêng, chứ không ghép chung lò. Đơn hàng số lượng ít sẽ là xu hướng tất yếu, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có giải pháp thích nghi. Chúng tôi cũng đang trong quá trình vừa thử nghiệm, vừa tìm hướng đi cho mình để khẳng định uy tín bằng dịch vụ có chất lượng tốt." Ngành chế tạo Việt Nam đang rất cần những đơn vị như vậy để hướng tới phát triển bền vững.

Cần cân nhắc hình thức hợp tác nếu có yêu cầu đặc biệt về thấm bề mặt

Phương pháp tôi thép được phân thành 2 nhóm lớn là tôi thể tích (tôi xuyên tâm) và tôi (thấm) bề mặt (tôi mặt ngoài), trong đó thấm bề mặt đang là kỹ thuật mà không nhiều đơn vị xử lý nhiệt tại Việt Nam có thể đối ứng tốt, đặc biệt với những đơn hàng có yêu cầu cụ thể về độ sâu của lớp thấm. Thấm bề mặt cao cấp với yêu cầu dung sai nhỏ (dưới 1mm) thì chỉ có doanh nghiệp Nhật mới đối ứng được, nhưng số lượng đơn hàng như vậy không phải nhiều. Ngoài ra, để kiểm tra độ sâu lớp thấm, cần đến máy phân tích cắt lớp, nhưng thiết bị này rất ít công ty sở hữu.

Về mặt kỹ thuật gia công, doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được tương đối tốt yêu cầu bản vẽ, nhưng lại khó chủ động được các yếu tố đầu vào như nguyên liệu, thiết bị, dao cụ... (có trường hợp chưa có sẵn, mất thời gian nhập hàng có khi còn vượt quá thời gian sản xuất...), hay các công đoạn xử lý bề mặt sau gia công (phụ thuộc vào đơn vị thuê ngoài) nên ban đầu khi được hỏi hàng thì trả lời là "có thể làm được", nhưng cuối cùng bắt buộc phải từ chối. Vì vậy, nếu có yều cầu đặc biệt về thấm bề mặt, nhà mua hàng nên cân nhắc phân chia việc đặt hàng, có thể đặt gia công thô tại doanh nghiệp Việt Nam, sau đó thực hiện xử lý nhiệt và gia công tinh tại Nhật Bản hoặc doanh nghiệp Nhật Bản để tận dụng được các thế mạnh của mỗi đơn vị (Việt Nam có lợi thế về giá nhân công, giá thành rẻ khi gia công số lượng lớn, Nhật Bản có trình độ kỹ thuật cao, khả năng gia công tinh, xử lý bề mặt vượt trội).

Suy thoái kinh tế tác động mạnh lên triển vọng phát triển của ngành

Việt Nam hiện nay vẫn đang là vùng trũng công nghệ của thế giới, ngay ngành gia công cắt gọt cũng mới chỉ thực sự phát triển trong khoảng 15 năm trở lại đây, hầu hết nguyên liệu, máy móc, dụng cụ đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong thời kỳ đầu phát triển, đa phần các công ty đều tự thân lập nghiệp, thiếu vốn, định hướng... nên chủ yếu đầu tư theo hình thức gia công đa dạng, đáp ứng nhiều mặt hàng phổ thông với số lượng lớn. Cùng với thời gian, nhiều công ty đã lớn mạnh, sở hữu hệ thống nhà xưởng và thiết bị hiện đại, từng bước đi lên chuyên nghiệp, nhưng nhìn chung, ngành chế tạo Việt Nam vẫn gặp khó khăn với các sản phẩm mỏng, có yêu cầu độ khó cao.

Xử lý nhiệt là công đoạn tiếp theo của hoạt động gia công, vì vậy có thể nói rằng, tiềm năng phát triển của ngành xử lý nhiệt phụ thuộc hoàn toàn vào triển vọng mở rộng của các doanh nghiệp gia công. Mặt khác, không phải mặt hàng nào cũng cần đến xử lý nhiệt cao cấp. Trong bối cảnh thị trường xe máy Việt Nam đã bão hòa, quy mô ngành ô tô còn nhỏ bé, ngành chế tạo máy móc thiết bị (như máy xây dựng, máy nông nghiệp...) hầu như "giậm chân tại chỗ", quy mô thị trường nội địa đối với ngành xử lý nhiệt trong những năm gần đây gần như không thay đổi. Mặt khác, sự biến đổi khó lường của tình hình kinh tế vĩ mô đang có tác động mạnh lên triển vọng phát triển của ngành xử lý nhiệt nói riêng, ngành chế tạo Việt Nam nói chung.

Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp xử lý nhiệt chỉ gặp một chút ảnh hưởng không đáng kể, trong thời gian "phong tỏa" các doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất tại chỗ một cách ổn định, đơn hàng tăng trưởng tốt do sự chuyển dịch đặt hàng từ các nước khác sang Việt Nam. Nhưng bước vào nửa cuối năm 2022, tác động tiêu cực của các yếu tố kinh tế - chính trị trong nước và quốc tế lên ngành công nghiệp Việt Nam đã trở lên vô cùng rõ ràng. Trên thế giới, cuộc chiến tranh Nga - Ukraina kéo theo vấn đề khủng hoảng chất đốt, người tiêu dùng dè dặt trong chi tiêu; tranh chấp thương mại Mỹ - Trung và cuộc khủng hoảng chip bán dẫn chưa đến hồi kết...; tại Việt Nam, sự "ra đi" của hàng loạt "ông lớn" bất động sản gây tác động mạnh lên hệ thống tín dụng và nền kinh tế nội địa - vốn phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng của thị trường bất động sản và tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng để quay vòng vốn kinh doanh, duy trì sản xuất...  Nhiều đơn vị, thậm chí là cả doanh nghiệp FDI, đã buộc phải giảm bớt hoạt động, thậm chí có doanh nghiệp quyết định "ngủ đông" để mong vượt qua cơn bĩ cực. Tác giả đã được lắng nghe chia sẻ đầy lo lắng của một vị giám đốc: "Chưa nhìn thấy điểm sáng nào trong tình hình hoạt động từ nay đến tháng 6 năm 2023".

Trong dài hạn, khi nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng cần yêu cầu xử lý nhiệt chất lượng cao tăng lên, cũng như trải nghiệm của khách hàng thay đổi (chuyển từ ưu tiên giá cả sang chú trọng chất lượng) thì có lẽ bức tranh của ngành xử lý nhiệt tại Việt Nam mới thực sự khởi sắc. Và, việc sắp xếp thứ tự doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chẳng hạn như phía Việt Nam chia sẻ hạ tầng nhà máy, đảm nhiệm gia công thô, gia công hàng loạt, phía Nhật Bản phụ trách gia công tinh, xử lý bề mặt chất lượng cao... có thể sẽ là một trong những giải pháp góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp phụ trợ địa phương./.

Chân thành cảm ơn sự hợp tác của công ty CNCTech, Pro-Vision, Oristar, KDH!

 

Chia sẻ

Đăng ký nhận thêm thông tin