Tin kinh tế - thị trường 06/12/2024, 12:55

Việt Nam vươn mình trở thành trung tâm sản xuất, R&D với những dự án FDI chất lượng cao

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang ngày càng được nâng tầm, với sự gia nhập của nhiều tập đoàn công nghệ và công nghiệp hàng đầu thế giới.

Việt Nam vươn mình trở thành trung tâm sản xuất, R&D với những dự án FDI chất lượng cao

Samsung mới đây đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào nhà máy Samsung Display của mình tại Bắc Ninh để mở rộng hoạt động sản xuất màn hình OLED không chỉ cho điện thoại thông minh, mà còn cho cả thiết bị IT, ô tô. Trong khi đó, một tập đoàn lớn khác của Hàn Quốc là LG cũng sẽ tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 5,65 tỷ USD để mở rộng quy mô sản xuất màn hình OLED công nghệ cao với quy mô 14 triệu sản phẩm/tháng, qua đó biến dự án này trở thành một trong những dự án có quy mô lớn nhất của LG tại Việt Nam.

Những khoản đầu tư nói trên không chỉ góp phần quan trọng giúp Việt Nam đạt mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD vốn FDI trong năm nay, mà còn khẳng định xu hướng biến chuyển mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Một báo cáo gần đây của Savills Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ để thu hút làn sóng đầu tư giá trị cao. Theo ông John Campbell, Giám đốc, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam, điều này đã đánh dấu sự phát triển của Việt Nam để trở thành trung tâm sản xuất, logistics và kỹ thuật số tại Đông Nam Á.

Theo Savills Việt Nam, kinh tế số và trung tâm dữ liệu sẽ là những lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam nhận được làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong tương lai gần.

Theo ông Campbell, sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao cùng khả năng logistics và các trung tâm dữ liệu được mở rộng đang thúc đẩy vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chi phí cạnh tranh, vị trí chiến lược cùng nhiều hiệp định thương mại cũng giúp Việt Nam có vị thế tốt để nắm bắt làn sóng đầu tư mới.

Nhận định của Savills Việt Nam phù hợp với một số thông tin gần đây cho rằng Việt Nam đang chuyển mình trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực bán dẫn và AI. Không chỉ trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng, Việt Nam còn đang là cứ điểm R&D chiến lược của nhiều nhà đầu tư lớn như Samsung.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với quyết tâm cao của Chính phủ, cùng chiến lược rõ ràng, chính sách cạnh tranh hấp dẫn và lợi thế về nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ vươn lên đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành bán dẫn.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ và Boston Consulting Group được công bố vào tháng 5 năm nay, Việt Nam có thể chiếm từ 8% đến 9% công suất lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP) vào năm 2032, tăng 1% so với năm 2022. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam trong bối cảnh thị trường bán dẫn toàn cầu có thể đạt 1 tỷ USD vào năm 2030.

Để tiếp tục thu hút các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực bán dẫn và AI, Việt Nam sẽ cần vượt qua một số thách thức như cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cùng với thể chế chính sách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ cần sớm thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư, cũng như có các thủ tục đặc biệt dành cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI.

Vietnamplus/Bách Lê
Chia sẻ

Đăng ký nhận thêm thông tin