Theo công ty tư vấn kinh tế toàn cầu Oxford Economics, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ là nền kinh tế nổi bật và có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với với nhóm 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN (ASEAN-6) trong những năm tới.
Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6,7% trong năm nay và 6,5% trong năm tới nhờ ngành chế biến chế tạo phát triển vững chắc và nhu cầu trong nước phục hồi nhanh. Động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm tới sẽ là xuất khẩu hàng chế biến chế tạo.
Theo Oxford Economics, tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam sẽ được thúc đẩy mạnh nhờ tăng trưởng lương, chủ yếu trong khu vực FDI, vào năm 2025. Trong năm 2022, người lao động trong khu vực FDI có mức lương cao hơn khoảng 14% so với khu vực phi nhà nước.
Du lịch có thể cũng sẽ là một động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong năm tới dù mức độ đóng góp có thể ít hơn so với năm nay. Trong năm 2023, ngành du lịch đã đóng góp 6,6% GDP danh nghĩa. Trong khu vực châu Á, Việt Nam cũng là nước đứng thứ 2 về mức độ hưởng lời từ sự phục hồi của ngành du lịch trong năm nay, chỉ xếp sau Nhật Bản. Hiệu ứng tích cực từ ngành du lịch được kỳ vọng cũng sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Oxford Economics nhận định nhu cầu chip toàn cầu trong năm tới sẽ tăng trưởng chậm lại khi mà việc các công ty tích trữ mạnh sau giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng đã làm tăng dư thừa tồn kho. Ngoài ra, nhu cầu chip ở các mảng ô tô, điện thoại và máy tính cũng đã yếu đi để khiến cho tốc độ tăng trưởng khối lượng xuất khẩu chip tại châu Á chậm lại từ đầu năm nay. Tại Việt Nam, điều này thể hiện qua việc sản lượng linh kiện điện tử đã giảm giữa năm 2024, cũng như sản lượng các linh kiện khác của ngành điện tử cũng không còn nổi trội.
Oxford Economics dự báo ngành chế biến chế tạo vẫn sẽ có những yếu tố thuận lợi để duy trì sự ổn định trong năm 2025, trong đó nổi bật là các lĩnh vực liên quan đến AI như tăng đầu tư cho các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu.
Các mặt hàng xuất khẩu lớn khác như máy móc và thiết bị điện, dệt may, nông sản được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Một động lực khác là số đơn hàng xuất khẩu có thể được đẩy nhanh trong năm tới do lo ngại thuế quan tăng và điều này sẽ góp phần bù đắp cho nhu cầu hàng điện tử suy yếu trong ngắn hạn.
Oxford Economics nhận định những chính sách tài khóa nới lỏng của Mỹ cũng sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam trong năm 2025 khi Mỹ vẫn đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam đầu năm sau có thể sẽ chậm lại do sự bất ổn tới từ những chính sách thuế của Mỹ với hàng hóa Việt Nam. Ngoài ra, tác động tiêu cực từ các chính sách thuế của Mỹ có thể sẽ chưa có ảnh hưởng ngay trong năm 2025 khi mà các chính sách sẽ có độ trễ từ lúc được thông qua cho tới khi được thực thi.
Dự báo lạc quan của Oxford Economics cho nền kinh tế Việt Nam tương đồng với dự báo của một số tổ chức tài chính quốc tế khác. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trước đó đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,4% trong năm nay và 6,6% vào năm 2025. Trong khi đó, HSBC nhận định GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 7% trong năm nay và 6,5% trong năm 2025, cao nhất trong nhóm ASEAN-6. Standard Chatered và UOB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt 6,7% và 6,6% trong năm 2025.