Tin kinh tế - thị trường 22/06/2023, 13:00

Những con số, sự kiện nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội Thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 này cũng chịu ảnh hưởng không ít. Dù vậy với sự cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 cũng đã chứng kiến một số tín hiệu khởi sắc.

Những con số, sự kiện nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 tăng 3,32% so với cùng kì năm trước. Chỉ số tiêu dùng CPI 5 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kì năm ngoái do giá lương thực, thực phẩm, giá điện nước sinh hoạt tăng vì tình hình nắng nóng kéo dài. Một số nhóm hàng hóa và dịch vụ nổi bật có chỉ số CPI tăng là Nhóm nhà và vật liệu xây dựng; nhóm văn hóa giải trí và du lịch hay nhóm nhà hàng và dịch vụ ăn uống.

Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2023 tăng 4,83% so với cùng kỳ năm trước, đạt con số thấp nhất kể từ đầu năm 2023 tới nay. Chỉ số CPI của 3 tháng gần nhất nhất đều giảm cho thấy xu hướng hạ nhiệt của lạm phát.

Trong 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kì năm trước khi mà sức tiêu dùng và du lịch được phục hồi sau đại dịch. Trong bối cảnh các ngành sản xuất và xuất khẩu đang gặp khó khăn, hoạt động bán lẻ tăng trưởng tốt là động lực quan trọng giúp duy trì tăng trưởng kinh tế.

Với việc tình hình kinh tế Thế giới gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành của Việt Nam (IPP) giảm 2% so với cùng kì năm trước. Trong đó ngành chế biến chế tạo giảm 2,5%.

Dù vậy tháng Năm vừa qua là tháng chứng kiến những tín hiệu khởi sắc của ngành sản xuất công nghiệp khi mà chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Năm tăng 2,2% so với tháng Tư và tăng 0,1% so với cùng kì năm ngoái. Trong số đó, sản xuất đồ uống tăng 11,1%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 9,9%; sản xuất kim loại tăng 9,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc tăng 6,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,7%...

Trong 5 tháng đầu năm 2023, một số địa phương có chỉ số IPP tăng mạnh nhất so với cùng kì năm ngoái là Bắc Giang với 15,4%, Phú Thọ với 15,2%, Hậu Giang với 13,9%, Thái Bình và Nam Định với 13,2% hay Tuyên Quang với 12,6%. Những địa phương có chỉ số IPP giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023 là Quảng Nam với 33,2%, Lai Châu với 26,5%, Hà Giang với 21,4%, Bắc Ninh với 19,0% hay Vĩnh Long với 15,3%.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,8 tỉ USD (cùng kì năm ngoái xuất siêu đạt 0,24 tỷ USD) trong đó những mặt hàng đạt giá trị xuất siêu cao nhất là điện thoại và linh kiện với 18,01 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ với 4,19 tỷ USD; thủy sản với 2,27 tỷ USD hay máy ảnh, máy quay phim và linh kiện với 1,41 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kì năm ngoái trong đó xuất khẩu giảm 11,6% còn nhập khẩu giảm 17,9%.

Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kì năm trước. Dù vậy số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tại Việt Nam tăng tới 27,8% so với cùng kì năm trước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành được cấp phép đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 4,43 triệu USD, chiếm tới 84,2% tổng vốn đăng kí cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã được cấp phép từ trước, vốn đăng kí đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam đạt tới 5,98 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2023. Điều này cho thấy Việt Nam đang là một thị trường rất hấp dẫn giành cho các doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Quốc tế.  

Các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 cao nhất là Singapore với 1,73 tỷ USD, Trung Quốc với 1,09 tỷ USD, Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) với 552,3 triệu USD, Đài Loan với 499,9 triệu USD, Nhật Bản với 317,7 triệu USD.

Một số sự kiện kinh tế nổi bật của 5 tháng đầu năm 2023

Foxconn tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam

Sau khoản đầu tư 300 triệu USD vào năm ngoái để mở rộng cơ sở sản xuất tại miền Bắc Việt Nam, Foxconn đã tiếp tục kí hợp đồng thuê gần 45 hecta khu đất của Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang với giá khoảng 62,5 triệu USD tới tháng 2 năm 2057. Đây là động thái cho thấy tập đoàn này tiếp tục muốn chuyển một phần hoạt động sản xuất sang các nhà máy tại Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2020, các sản phẩm của Apple đã được Foxconn bắt đầu tiến hành lắp ráp tại Việt Nam.

GSM kí kết hợp đồng hợp tác với Be Group

Vào tháng 3 vừa qua, Công ty Cổ phần Di chuyển xanh và Thông minh GSM của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã kí kết thỏa thuận đầu tư và hợp tác với Be Group để hỗ trợ Be Group hướng tới mục tiêu trở thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ và cung cấp dịch vụ vận chuyển công nghệ số một Việt Nam. Theo thỏa thuận hợp tác, GSM sẽ trực tiếp đầu tư vào Be Group đễ hỗ trợ các tài xế chuyển đổi dần từ xe xăng sang xe điện. Với sự hợp tác của hai ông lớn này, dịch vụ vận chuyển bằng các phương tiện xanh hứa hẹn sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Xe điện Trung Quốc HongGuang Mini EV xuất xưởng tại Việt Nam

Vào tháng 5 năm nay, nhà máy tại tỉnh Hưng Yên của TMT Motors đã chính thức cho xuất xưởng những chiếc ô tô điện Wuling HongGuan MiniEV đầu tiên. Đây là mẫu xe điện đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam theo kế hoạch hợp tác của TMT Motors và liên doanh GM-SAIC-Wuling. Tới tháng 6 năm 2023, những chiếc Wuling HongGuang MiniEV sẽ bắt đầu được bán ra thị trường. Hiện giá bán lẻ của chiếc xe này vẫn chưa được chính thức công bố nhưng theo nhiều chuyên gia dự đoán, người tiêu dùng có thể sẽ phải bỏ ra khoảng 200 triệu đồng để sở hữu mẫu xe này.

Tổng Cục Thống Kê Việt Nam / Bách Lê
Chia sẻ

Đăng ký nhận thêm thông tin