Trong bức tranh phát triển kinh tế và công nghệ đang ngày càng đa dạng hóa, thị trường ô tô điện (EV) tại Việt Nam đã nổi lên như một khía cạnh đáng chú ý, định hình lại diện mạo của ngành công nghiệp vận tải. Sự tăng trưởng vượt bậc của xe điện trong những năm gần đây không chỉ phản ánh xu hướng toàn cầu của sự chuyển đổi sang năng lượng sạch, mà còn đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho Việt Nam trong việc xây dựng một hệ thống giao thông bền vững và thân thiện với môi trường.
VinFast - Hành trình từ xe xăng đến ô tô điện và tương lai xanh
Ngày 6/1/2022, tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng lớn nhất thế giới CES 2022, VinFast - nhà sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam - đã công bố kế hoạch dừng việc sản xuất xe xăng để chuyển sang xe điện vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, kế hoạch này đã diễn ra sớm hơn so với dự kiến và đến tháng 7/2022, VinFast đã chính thức ngừng kinh doanh xe ô tô chạy xăng và chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất và kinh doanh xe điện. Hiện nay, toàn bộ các mẫu xe điện của VinFast đều được lắp ráp, hoàn thiện tại nhà máy của VinFast ở Cát Hải (Hải Phòng). Khu phức hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast được xây dựng trên khu đất rộng 335 ha tại khu công nghiệp Đình Vũ, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Khu phức hợp được chia ra thành các khu Khu nhà máy sản xuất ô tô, Khu nhà máy sản xuất xe máy điện, Khu nhà máy sản xuất xe buýt điện, Nhà điều hành… Trong đó, công suất của nhà máy ô tô là sản xuất 250.000 xe/năm giai đoạn 1, dự kiến nâng công suất lên tới 950.000 xe/năm vào năm 2026.
VinFast đã và đang phát triển dải sản phẩm gồm 6 mẫu ô tô điện trải đều các phân khúc A - B - C - D - E gồm: VF e34 (SUV hạng C), VF 5 Plus (SUV hạng A), VF 6 (SUV hạng B), VF 7 (SUV hạng C), VF 8 (SUV hạng D) và VF 9 (SUV hạng E). Mới đây nhất, ngày 8/6/2023, VinFast đã công bố ra mắt mẫu xe VF 3 thuộc phân khúc xe cỡ nhỏ (Mini car), là mẫu xe cỡ nhỏ đầu tiên được VinFast nghiên cứu, phát triển dựa trên những đặc tính và thói quen giao thông của người tiêu dùng Việt Nam. Hiện nay, các mẫu VF 6, VF 7 và VF 3 chưa được mở bán chính thức. Các mẫu còn lại bao gồm VF e34, VF 8, VF 9 và VF 5 Plus đã được lần lượt mở bán trong năm 2021, 2022 và 2023, với mức giá dao động từ 458 triệu – 1,57 tỷ đồng. Tính lũy kế 3 tháng đầu năm, VinFast đã bàn giao 1.689 ô tô điện cho khách hàng tại thị trường Việt Nam gồm 773 chiếc VF e34, 865 chiếc VF8 và 51 chiếc VF9.
Để chủ động nguồn cung pin, được ví như “trái tim” của một chiếc xe điện và cũng là linh kiện chiếm tỷ trọng lớn nhất về giá thành, VinFast đã áp dụng một chiến lược táo bạo khi hợp tác với các nhà sản xuất, công ty công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực pin. Nhiều chuyên gia nhận định, không chỉ dừng lại ở việc chạy đua công nghệ, ra mắt các mẫu xe điện thế hệ mới, VinFast và các công ty thành viên của Vingroup đang có tham vọng tạo nên một cuộc cách mạng về xe điện tại Việt Nam, nhằm tạo nên một hệ sinh thái di chuyển xanh trong tương lai, đồng thời ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường do pin hết niên hạn gây nên.
Hợp tác của VinFast với các doanh nghiệp trong lĩnh vực pin (tính đến hết tháng 04/2023)
Bùng nổ sự gia nhập của các nhà sản xuất nước ngoài
Thời gian gần đây, thị trường Việt Nam xôn xao trước thông tin chiếc xe Wuling HongGuang MiniEV đầu tiên được xuất xưởng tại nhà máy của TMT Motors ở tỉnh Hưng Yên. Đây là mẫu xe ô tô thuần điện cỡ nhỏ được sản xuất bởi liên minh SAIC-GM-Wuling (Mỹ - Trung Quốc) và đã trở thành mẫu xe điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới các năm 2020, 2021, 2022. Tháng 1/2023, liên minh SAIC-GM-Wuling đã ký kết hợp tác chiến lược với TMT Motors - một công ty có tiền thân là Công ty Vật tư thiết bị cơ khí giao thông vận tải thuộc Cục Cơ khí, Bộ Giao thông Vận tải, thành lập năm 1976. Theo thỏa thuận, liên doanh Mỹ - Trung Quốc này sẽ cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. Đến ngày 24-05-2023, chiếc Wuling Hongguang MiniEV đầu tiên được sản xuất tại nhà máy của TMT Motors đã xuất xưởng. Hiện nay, nhà máy ô tô điện của TMT Motors ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có công suất sản xuất, lắp ráp giai đoạn 1 là 30.000 xe/năm. Sang giai đoạn 2, khi TMT Motors giới thiệu thêm các mẫu xe điện mới ở các phân khúc khác nhau thì sẽ tăng công suất lên 60.000 xe/năm.
Xe điện Wuling HongGuang MiniEV
Một “ông lớn” xe điện khác của Trung Quốc cũng đang nhắm đến thị trường Việt Nam được cho là BYD. Với trụ sở chính ở Thâm Quyến (Trung Quốc), BYD khởi đầu là nhà sản xuất pin cho điện thoại di động, và mới chỉ mở rộng sang lĩnh vực sản xuất ô tô từ năm 2003. Tuy vậy, năm 2022, công ty này đã cung cấp ra 1,86 triệu ô tô plug-in hybrid và chạy hoàn toàn bằng điện, vượt qua con số hơn 1,31 triệu ô tô của Tesla tới 42% để trở thành nhà sản xuất xe điện số 1 thế giới. Hiện nay, tại Việt Nam, BYD có 1 nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử nằm ở tỉnh Phú Thọ. Thông tin về việc công ty này muốn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện ở Việt Nam được đưa ra trong buổi gặp mặt của Chủ tịch Tập đoàn BYD - ông Wang Chuanfu và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vào đầu tháng 5. Lãnh đạo Tập đoàn BYD mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành các thủ tục đầu tư, cùng với đó, BYD sẽ hình thành chuỗi doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ cho dự án ô tô điện. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết về dự án như là tổng vốn đầu tư đã không được tiết lộ. Dù vậy, nhiều người cho rằng sự hiện diện của BYD tại Việt Nam sẽ đối đầu trực tiếp với nhà sản xuất xe điện của Việt Nam là VinFast.
Ngoài ra, nhiều hãng xe hàng đầu thế giới khác đã liên tục giới thiệu các sản phẩm xe điện ra mắt tại thị trường Việt Nam. Các sản phẩm thuần điện nhập khẩu như Hyundai Ioniq 5, Kia EV6 dự kiến được mang về Việt Nam giới thiệu với mức giá từ 1,33 – 1,7 tỷ đồng. Hay một số dòng xe điện hạng sang như Audi e-tron (2,97 - 5,9 tỷ đồng), Mercedes-Benz EQS (4,83 – 5,95 tỷ đồng), Porsche Taycan (5,7 – 9,55 tỷ đồng). Riêng với dòng xe hybrid, đại diện sáng giá nhất là Nissan Kicks e-POWER với mức giá ở mức từ 789 triệu đồng.
Có thể thấy, hòa cùng với xu hướng trên thế giới, thị trường xe điện tại Việt Nam đang dần trở nên sôi động với sự xuất hiện của nhiều hãng xe. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện (EV) vào khoảng năm 2028 và tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2030-2040. Đến năm 2040, Việt Nam sẽ có khoảng 3,5 triệu xe ô tô điện. Tuy nhiên, ngành công nghiệp xe điện hoàn toàn mới và đắt đỏ do nguyên vật liệu khai thác hạn chế và đòi hỏi trình độ công nghệ rất cao. Đơn cử như vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu nếu bị đứt gãy như thiếu chip bán dẫn thời gian qua thì cả ngành sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Những tác động khách quan khiến cho mức giá sản phẩm xe điện tại Việt Nam thực tế vẫn cao hơn so với một số xe chạy bằng xăng.
Thách thức đến từ cơ sở hạng tầng cho xe điện
Một thách thức khác của Việt Nam đó là cơ sở hạ tầng cho xe điện chưa thực sự phát triển. Xe điện sử dụng năng lượng là điện để vận hành trong khi Việt Nam thiếu các bãi đậu xe có lắp đặt trạm sạc xe điện phổ biến để phục vụ người dùng. Mạng lưới trạm sạc liên thông giữa các tỉnh, thành phố cũng chưa được xây dựng nhiều. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại của người dân khi lựa chọn xe điện thay thế xe xăng.
Hiện ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất VinFast là hãng xe nội địa phát triển hệ thống trạm sạc với số lượng rất lớn, lên tới 150.000 cổng sạc. Tiêu chuẩn cổng sạc của VinFast là CCS2, tương tự một số hãng xe tại Mỹ và Châu Âu và có tính tương thích khá cao. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, VinFast mới chỉ cung cấp trạm sạc cho khách hàng sử dụng xe điện của VinFast. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ rất thẳng thắn: “Sau 10 năm nữa, chúng tôi mới chia sẻ trạm sạc VinFast cho các hãng dùng chung. Không có lý gì khi chúng tôi bỏ ròng 700 triệu USD để xây dựng hạ tầng mà lại để cho các đối thủ có cơ hội dùng quá dễ dàng như vậy”. Cũng theo khẳng định của chủ tịch Vingroup, VinFast đủ năng lực cung cấp xe cho thị trường, đủ các dòng xe, giá cả hợp lý, dịch vụ hậu mãi tốt. Do đó, việc chia sẻ trạm sạc như một dịch vụ giúp tăng doanh thu không cần thiết ở thời điểm hiện tại. Hơn nữa, với công suất tại nhà máy xe điện VinFast tại Hải Phòng có thể sẽ đạt 950.000 chiếc/năm trong vài năm tới, và thực tế rằng VinFast đã triển khai dịch vụ taxi điện tại một số địa phương, cũng như kết hợp với một số hãng taxi/nhà cung cấp dịch vụ đặt xe để phát triển dịch vụ xe taxi điện, nhiều người dự đoán rằng rất có thể số lượng trụ sạc như hiện tại của VinFast là chưa đủ và công ty sẽ cần phải tiếp tục mở rộng hệ thống trạm sạc hơn nữa trong tương lai.
Trạm sạc xe điện của VinFast tại Hà Nội
Bên cạnh VinFast, thị trường trạm sạc ô tô điện tại Việt Nam mới đây đã chào đón một cái tên mới là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN. Các trụ sạc nhanh ô tô điện của EVN được phát triển bởi Trung tâm sản xuất điện tử điện lực miền Trung (thuộc EVN). Trước khi trở thành sản phẩm thương mại, EVN đã thử nghiệm và lắp đặt vận hành trạm sạc ô tô điện tại một số địa điểm gồm: Trụ sở Tổng công ty Điện lực miền Trung, các cửa hàng xăng dầu PVOIL trên địa bàn thành phố Đà Nẵng… Hiện trung tâm đã hoàn thành và bàn giao 6 trạm sạc đến khách hàng, dự kiến lắp đặt tại Hà Nội. Trạm sạc có khả năng đạt 80% pin trong vòng 30 - 40 phút tùy vào dung lượng pin của xe và có thể mở rộng tích hợp nhiều chuẩn cho cùng một trạm sạc (CCS, Tesla, GB/T), đồng thời có thể nâng công suất lên 120 kW. Tại Việt Nam hiện nay, đây là trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam đến từ một nhà sản xuất không làm ô tô.
Trong số các hãng xe sang đã giới thiệu các dòng xe điện tại Việt Nam có Porsche và Audi đã đưa vào hoạt động trạm sạc nhanh của riêng hãng. Trạm sạc nhanh của Porsche được đặt tại Trung Tâm Porsche Sài Gòn với công suất tối đa đạt 175kW, cho phép dòng xe Taycan đạt mức sạc 80% trong khoảng 40 phút. Audi là hãng đã đưa vào hoạt động trạm sạc nhanh của mình ở TP.HCM. “Audi Charging Lounge” được đặt tại trung tâm Quận 1 và có khu sạc nhanh DC trong nhà với trạm sạc ABB 180kW, có thể sạc đồng thời 2 xe Audi. Ngoài ra, mới đây đại diện của Mercedes-Benz cũng cho biết có kế hoạch sẽ phát triển hệ thống trạm sạc tại một số khách sạn và resort 5 sao trên toàn quốc.
Có thể nói đối với các hãng xe điện, việc tìm lời giải cho bài toán trạm sạc là rất quan trọng vì nó ảnh hưởng tới phạm vi sử dụng của xe. Tuy nhiên, việc đưa vào hoạt động các trụ sạc cho xe ô tô điện sẽ làm cho nhu cầu sử dụng điện tăng, từ đó có thể sẽ dẫn đến nguy cơ quá tải điện. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện và chất lượng điện năng. Nếu không có giải pháp căn cơ thì khi khối lượng lớn trụ sạc đấu nối vào lưới điện phân phối sẽ xuất hiện nguy cơ ảnh hưởng tới vận hành lưới điện, tình trạng làm việc an toàn, ổn định của hệ thống điện, gây quá tải lưới điện khu vực.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (Phần 4) - Chính sách của Chính phủ<<
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (Phần 2) - Các doanh nghiệp trong ngành