Theo một số chuyên gia, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội để phát triển mạnh mẽ nhờ môi trường thuận lợi và những chính sách ưu đãi với sự tham gia của của cả những tập đoàn hàng đầu thế giới và những doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rất nhiều ông lớn trong ngành công nghệ của thế giới như Samsung, Intel, Renesas, Qorvo và Marvell đã mở những trung tâm nghiên cứu - phát triển và cả cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Trong số đó, Intel đã khánh thành nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới của mình tại TP. Hồ Chí Minh trong khi Amkor cũng mới đưa vào hoạt động nhà máy bán dẫn trị giá 1,6 tỷ USD của mình tại Bắc Ninh vào năm 2023.
Ông Võ Xuân Hoài nhận định Việt Nam đang có môi trường thuận lợi và cơ chế chính sách ưu đãi cho ngành bán dẫn để thu hút những nhà sản xuất lớn của thế giới. Chính phủ Việt Nam cũng đang cho thấy quyết tâm phát triển ngành này thông qua việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và nhiều khu công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Đà Nẵng.
Ngoài việc chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ ngành bán dẫn như đảm bảo nguồn điện và xây dựng hạ tầng giao thông, Việt Nam cũng đang có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho ngành này trong đó có Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội miễn, giảm thuế cho chuyên gia, nhà khoa học, người có năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang bắt đầu tích cực tham gia vào các lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) trong đó FPT có thể nói là đơn vị tiên phong. Tập đoàn này đã có hợp tác với nhiều công ty AI hàng đầu thế giới như Landing AI, Mila và NVIDIA cũng như đang có kế hoạch đầu tư 200 triệu USD để xây dựng một Nhà máy AI. Trong lĩnh vực bán dẫn, FPT cũng đang tập trung vào mảng thiết kế, kiểm thử và chú trọng đào tạo nhân lực cao cho ngành này để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện Tử Việt Nam, các doanh nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là sau chuyến làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Mỹ.
Để ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có thể tận dụng tốt những cơ hội phát triển sắp tới, ngoài sự chuẩn bị về chính sách và công nghệ, nhiều chuyên gia đồng tình nhận định phát triển nguồn nhân lực sẽ là một yếu tố rất quan trọng.
Ông Võ Xuân Hoài nhận định Việt Nam có nguồn nhân lực kỹ thuật dồi dào và nhiều đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn. Những cơ sở này đã và đang đào tạo, phát triển một mạng lưới chuyên gia rộng lớn trong và ngoài nước. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo tổng cộng 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư cho các khâu sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực khác.
Đồng quan điểm cho rằng chất lượng nhân lực sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam đón đầu công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho biết Hiệp hội cũng đã kết nối nhiều cơ sở giáo dục và doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục thúc đẩy những chương trình như vậy để góp phần đáp ứng tốt hơn nữa nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn nói riêng và công nghiệp công nghệ cao nói chung.