Việc tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm là rất quan trọng trong mọi doanh nghiệp sản xuất. Giá thành được tính đòi hỏi phải chính xác, nhất quán để doanh nghiệp đánh giá đúng được chi phí giá vốn từ đó xác định được doanh nghiệp có lợi nhuận hay không, đồng thời giúp cho ban giám đốc đưa ra những quyết định chiến lược về giá bán vừa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, vừa tối ưu hóa được lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong bài viết này, mời quý vị cùng đến với những phân tích của chuyên gia tài chính Nguyễn Phương Hoa về những sai lầm thường gặp khi tính giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp sản xuất.

Giá thành sản phẩm ở đây chính là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ các khoản hao phí về nhân công, nguyên nhiên vật liệu, máy móc, phương tiện, thiết bị… liên quan đến khối lượng sản phẩm, dịch vụ đã hoàn thành trong kỳ. Xét theo phạm vi chi phí thì giá thành sản phẩm được chia làm hai loại là giá thành sản xuất (giá thành phân xưởng) và giá thành toàn bộ (giá thành tiêu thụ).
Để tính giá thành sản phẩm, chúng ta có thể thực hiện theo Thông tư 200/2014/TT-BTC. Tùy từng hình thức sản xuất khác nhau, doanh nghiệp có thể lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp như:
- Phương pháp tính giá thành trực tiếp (Phương pháp giản đơn): Phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất giản đơn với số lượng mặt hàng ít, có quy trình sản xuất đơn giản, phần lớn các chi phí sản xuất được tập hợp riêng cho từng loại sản phẩm.
- Phương pháp tính giá thành theo định mức: Áp dụng các doanh nghiệp có quy trình sản xuất ổn định, đã xây dựng và quản lý được định mức, trình độ tổ chức, tổng hợp chi phí sản xuất và tính giá thành của kế toán viên tương đối vững.
- Phương pháp tính giá thành theo hệ số: Áp dụng cho những doanh nghiệp trong cùng một quá trình sản xuất sử dụng một thứ nguyên liệu và một lượng lao động thu được đồng thời nhiều sản phẩm khác nhau. Chi phí không tập hợp chung cho từng loại sản phẩm mà tập hợp chung cho cả quá trình sản xuất. Các lĩnh vực sản xuất thường áp dụng như: may mặc, hóa chất, cơ khí, chế tạo điện cơ, chăn nuôi…
- Phương pháp tính giá thành theo tỷ lệ : Áp dụng cho những doanh nghiệp trong cùng một quá trình sản xuất dùng một thứ nguyên vật liệu và một lượng lao động thu được các nhóm sản phẩm cùng loại nhưng khác nhau về quy cách (ví dụ như kích thước) và giữa các sản phẩm không có hệ quy đổi. Các lĩnh vực sản xuất thường áp dụng như: may mặc, giày dép,…
Ngoài ra chúng ta còn có thể tính giá theo :
- Phương pháp tính giá thành theo đơn đặt hàng/hợp đồng/công trình (phù hợp với doanh nghiệp xây dựng, các công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho từng dự án hay các công ty xuất nhập khẩu theo đơn hàng).
- Phương pháp tính giá thành phân bước (phù hợp với doanh nghiệp chế biến đồ hộp, đồ gia dụng hay quần áo thời trang…).
Hiện nay, một số đơn vị cung cấp phần mềm kế toán cũng đã tích hợp các phương pháp này trong hệ thống của mình, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tính ra giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, trong quá trình tính giá thành sản phẩm, các doanh nghiệp cũng gặp khá nhiều vấn đề vướng mắc cần được giải quyết. Dưới đây là một số lỗi thường gặp khi tính giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp sản xuất:
1. Lỗi về thiết lập hệ thống:
- Doanh nghiệp không có một quy định nhất quán về tính giá thành sản phẩm dẫn tới các quy định về phương pháp tính giá thành, phương pháp tính giá xuất kho, phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang, quy định về tập hợp và phân bổ chi phí chung không được nhất quán giữa các kỳ tính giá, dẫn tới mỗi một kỳ tính giá ra một mức giá khác nhau mà không kiểm soát được.
- Doanh nghiệp xây dựng các quy định trên chưa phù hợp với loại hình sản xuất, sản phẩm sản xuất của doanh nghiệp mình dẫn tới giá thành sản phẩm bị cào bằng, hoặc tính không chính xác.
2. Lỗi về nghiệp vụ
- Lỗi về hạch toán kế toán: Trong quá trình hạch toán các chi phí sản xuất, doanh nghiệp đã hạch toán không đúng, không đủ dẫn tới thiếu chi phí khi tập hợp tính giá thành.。
- Lỗi về kiểm tra số liệu trước khi tính giá: Hạch toán sai đối tượng tập hợp chi phí dẫn tới khi tính giá thì bị sai lệch giữa các sản phẩm.
+ Tập hợp chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Khi xuất vật tư để sản xuất sản phẩm, ngoài việc chọn khoản mục chi phí còn phải chọn đối tượng tập hợp chi phí. Nếu không có đối tượng tập hợp chi phí thì sẽ không tính giá thành cho sản phẩm.
+ Tập hợp chi phí nhân công: Nếu có đích danh cho đối tượng tập hợp chi phí thì chọn đối tượng tập hợp chi phí. Nếu không đích danh được mà phải phân bổ theo tiêu thức nguyên vật liệu trực tiếp hoặc một tiêu thức phù hợp nào đó thì không phải chọn đối tượng tập hợp chi phí.
+ Tập hợp chi phí chung: Chỉ chọn khoản mục chi phí không chọn đối tượng chi phí.
- Lỗi trong quá trình tính giá: Không thực hiện đúng, đủ các bước tính giá, không có kiểm tra lại số liệu sau mỗi bước. Ví dụ: Chưa cập nhật giá nhập kho đối với hàng tồn kho dẫn tới giá trị nguyên vật liệu và bán thành phẩm xuất vào sản xuất không có giá trị, chưa tính phân bổ công cụ dụng cụ/tài sản cố định đã tính giá, chưa đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ, chọn sai kỳ tính giá, chọn sai đối tượng tập hợp chi phí, kết chuyển không hết các chi phí sản xuất…
- Lỗi sau quá trình tính giá: Sau khi tính giá thành xong không kiểm tra lại, không đối chiếu số liệu giữa các kỳ, đối chiếu với giá thành định mức, giá thành kế hoạch để tìm ra yếu tố làm chênh lệch với giá thành thực tế.
Để khắc phục tình trạng trên, doanh nghiệp cần:
- Xây dựng cho mình một quy định về tính giá thành phù hợp, nhất quán, rõ ràng, dễ thực hiện và kiểm tra đối chiếu.
- Có sự kiểm soát chặt chẽ các chứng từ, chi phí liên quan. Đồng thời hạch toán đúng và đủ vào từng hạng mục tương ứng. Với mỗi lỗi sai sẽ có cách xử lý khác nhau.
- Cần định kỳ đánh giá về giá thành sản phẩm để đưa ra những biện pháp giảm thiểu chi phí không cần thiết, cải tiến sản xuất làm giảm giá thành sản phẩm nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ký giả: Nguyễn Phương Hoa (MBFC Financial Consultant Company Limited)