Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, cả nước đã có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Điều này cho thấy sức tàn phá nặng nề của COVID-19 đối với sức khỏe doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị có hệ thống quản trị doanh nghiệp yếu kém. Trong bài viết này, mời quý vị cùng đến với những phân tích của chuyên gia tài chính Nguyễn Phương Hoa về các giải pháp vận hành hệ thống tài chính doanh nghiệp trong thời kỳ COVID-19.

Trước đây khi đại dịch COVID-19 mới xuất hiện lần 1, lần 2, chúng ta thường nhắc đến các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nhà hàng, khách sạn, tổ chức sự kiện, hàng không… Tuy nhiên, khi COVID-19 kéo dài thì sức ảnh hưởng đã lan rộng hơn, dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ra hàng loạt khó khăn cho doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực. Đối mặt với những khó khăn đó thì bên cạnh các chiến lược ưu tiên để phát triển dài hạn như kế hoạch thích ứng với sự biến đổi của thị trường, hành vi của người tiêu dùng, kế hoạch duy trì hoạt động, chiến lược, mô hình kinh doanh v.v… các doanh nghiệp thường xuyên phải xoay chuyển liên tục các chiến lược, vận hành hệ thống tài chính, dòng tiền một cách linh hoạt.
Quản lý dòng tiền chặt chẽ
Doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng quỹ trích lập dự phòng, các chi phí cố định và chi phí biến đổi. Cần có kế hoạch vận hành dòng tiền một cách chi tiết và quản lý chặt chẽ, tránh các rủi ro thất thoát không đáng có.
Việc quản lý thanh khoản cũng cần được chú trọng bao gồm cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết và theo dõi chặt chẽ công nợ, xem xét gác lại các khoản mua sắm tài sản ít quan trọng để ưu tiên dòng tiền phục vụ các hoạt động thiết yếu.
Doanh nghiệp cũng cần rà soát lại toàn bộ hệ thống kinh doanh, tối ưu hiệu quả hoạt động kinh doanh,… nhằm tạo ra giá trị, đem lại dòng tiền cho doanh nghiệp.
Kiểm soát việc sử dụng các nguồn vốn, các khoản đầu tư
Doanh nghiệp cần rà soát lại danh mục đầu tư, xem xét lại hiệu quả sử dụng của các nguồn vốn góp, phân bổ lại nguồn lực đầu tư nhằm tối ưu hiệu quả, và tối ưu các khoản vay.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu khách hàng, chính sách bán hàng cũng cần được xem xét lại. Đồng thời, tiến hành rà soát lại công tác mua sắm, thu mua đầu vào, chi phí chuỗi cung ứng.
Cơ cấu lại các khoản nợ
Đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi liên tục chiến lược kinh doanh và chiến lược tài chính. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc lại hệ thống tài chính nhằm giữ nhịp tăng trưởng và tạo ra lợi nhuận tốt.
Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn khiến doanh nghiệp đối mặt với áp lực nợ rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng lên phương án tái cấu trúc nợ, tổ chức, sắp xếp lại cơ cấu và quy mô các khoản nợ. Doanh nghiệp có thể cơ cấu lại, giảm các khoản vay có lãi suất cao, ưu tiên các khoản vay có lãi suất thấp hơn. Các khoản nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn cần được xem xét lại, tiến hành đàm phán giảm hoặc miễn lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ hay đảo nợ, thương thảo với các nhà cung cấp về tiến độ thanh toán các khoản nợ.
Tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi
Doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn tài trợ, vốn ưu đãi, tranh thủ tận dụng các gói vay theo chính sách hỗ trợ, các gói cứu trợ kinh tế của Chính phủ áp dụng trong thời gian dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, cơ cấu lại các khoản vay, xác định mức vay nợ phù hợp với quy mô, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch trả nợ phù hợp.
Tái cấu trúc nguồn vốn
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp cần phải tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời tái cấu trúc nguồn vốn để cải thiện tình hình tài chính. Doanh nghiệp cần nghiên cứu cắt giảm bớt những chi phí không cần thiết, hạn chế các khoản vay để đầu tư vào những dự án chưa đem lại lợi nhuận ngay, chấp nhận thu gọn ngành nghề hoạt động không hiệu quả, định biên lại nhân sự, giảm giá thành đầu vào, cắt giảm các chi phí không cần thiết… nhằm bảo vệ trúc nguồn vốn ở thế cân bằng.
Tận dụng các ưu đãi về thuế
Để hạn chế những tác động tiêu cực từ COVID-19, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp chính sách thuế linh hoạt như miễn giảm, gia hạn nộp thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất… điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết được bài toán về dòng tiền, dành nguồn lực tập trung duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp không được bỏ qua.
Doanh nghiệp có thể vận hành một hoặc nhiều giải pháp vận hành hệ thống tài chính cùng lúc nhằm đảm bảo dòng tiền dương trong doanh nghiệp, giảm được các khoản nợ không đáng có, giữ tâm thế sẵn sàng bứt phá ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành.
Ký giả: Nguyễn Phương Hoa (MBFC Financial Consultant Company Limited)