Kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế kỳ vọng sẽ phục hồi và phát triển nhanh chóng sau đại dịch. Theo Ngân hàng thế giới World Bank, đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021; đặc biệt là sự cải thiện trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhờ tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cao, Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư trở lại, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi về những lưu ý khi nhà đầu tư trở lại Việt Nam hậu COVID-19, với ông Lê Khánh Mạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng DELCO (tên gọi tắt: DELCO) – Tổng thầu xây dựng công nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm với các chủ đầu tư FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu…
Xu hướng hậu COVID
Thưa ông Mạnh, ông đánh giá thế nào về tình hình đầu tư xây dựng nhà máy FDI tại Việt Nam hiện nay?
Theo quan sát của cá nhân tôi, số lượng dự án FDI và DDI tại Việt Nam giai đoạn này có xu hướng tăng đáng kể, số lượng dự án DELCO đang tư vấn tăng khoảng 15 – 20% so với trước đó. Quy mô dự án cũng lớn hơn khá nhiều.
Vậy nhu cầu của nhà đầu tư hiện nay, theo ông, có khác gì so với giai đoạn trước COVID-19 không?
Tôi nhận thấy nhu cầu của nhà đầu tư đã thay đổi so với giai đoạn từ 2019 trở về trước. Xu thế lớn nhất là mong muốn tối ưu chi phí xây dựng nhà máy. Điều này cũng là dễ hiểu, vì tiết kiệm chi phí là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp sống sót và tăng khả năng cạnh tranh trong giai đoạn nhiều biến động như hiện nay.
Như vậy, các nhà thầu nộp thầu giá rẻ sẽ dễ trúng thầu hơn?
Đúng vậy. Nhiều nhà thầu đã dựa vào tâm lý này của nhà đầu tư để tạo ra những "bẫy giá rẻ" - giá thầu đề xuất cho các dự án xây dựng/mở rộng sản xuất có vẻ thấp nhưng có thể phát sinh nhiều chi phí trong quá trình thi công hoặc ảnh hưởng đến độ bền của nhà máy.
Nhiều khi tôi thắc mắc, trong khi giá các nguyên vật liệu chính đều tăng: giá các loại thép đã tăng 20 - 35% so với năm 2021, giá các vật liệu khác như xi măng, gạch, cát… cũng tăng từ 10-20%, mà nhiều nhà thầu vẫn có thể chào giá bằng hoặc thậm chí rẻ hơn giai đoạn trước?
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những cái bẫy này không?
Theo tôi được biết, có rất nhiều cách để giảm giá thầu dự án, thậm chí cho phép giảm giá đến 10 – 15%:
Thứ nhất, giảm khối lượng công việc: nhà thầu không thực hiện đủ các hạng mục công việc hoặc đề xuất thay đổi giải pháp thi công. Tuy nhiên, nếu sự thay đổi giải pháp này chỉ nhằm mục đích giảm chi phí mà không tính đến thực tế sản xuất, đặc thù ngành hàng, cũng như yếu tố địa chất, hạ tầng hiện tại… thì có thể làm giảm hiệu năng sử dụng cũng như hiệu quả sản xuất của nhà máy sau này.
Thứ hai, giảm specifications, hạ thấp tiêu chuẩn, thông số của thiết bị, vật liệu. Bạn biết đấy, các công trình công nghiệp thường sử dụng lượng nguyên vật liệu rất lớn, vì vậy chỉ cần thay đổi thông số kỹ thuật (specifications) của một số vật liệu là đã ảnh hưởng rất lớn đến giá thầu. Tuy nhiên, việc thay đổi specifications hoặc khối lượng có thể không đáp ứng các quy chuẩn mới nhất về phòng cháy chữa cháy, các quy chuẩn để đánh giá ĐTM (báo cáo tác động môi trường)… Điều này dẫn đến mất an toàn nhà máy, ảnh hưởng không gian sản xuất cũng như không đảm bảo tính pháp lý khi nghiệm thu.
Thứ ba, nhiều nhà thầu thiết kế và đề xuất phương án sơ sài, không lường hết các vấn đề khi nhà máy vận hành. Ví dụ, khi thiết kế hệ thống cơ điện nhà máy (MEP), DELCO luôn tính đến các phương án dự phòng rủi ro khi mất điện hoặc trục trặc thiết bị, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy và an toàn của công nhân. Vì vậy giá thầu có thể cao hơn so với những nhà thầu khác, nếu họ bỏ qua các vấn đề dự phòng rủi ro này.
Cuối cùng, cũng có nhiều nhà thầu chưa có quy trình thi công chặt chẽ, dẫn đến ước tính dự toán không chính xác. Việc này sẽ dẫn đến liên tục phát sinh chi phí trong và sau quá trình thi công, dẫn đến không thể kiểm soát được tổng chi phí. Và nhà đầu tư là người chịu thiệt nhiều nhất.
Là nhà đầu tư thông thái trước “bẫy giá rẻ”
Vậy có cách nào để vừa tiết kiệm chi phí xây dựng nhà máy, vừa không ảnh hưởng đến độ bền nhà máy và hiệu quả sản xuất không?
Tôi nghĩ nhà đầu tư cần cực kì tỉnh táo trong giai đoạn này để có thể tìm ra nhà thầu phù hợp và đảm bảo chất lượng, hiệu năng của nhà máy. Khi lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nên chú ý mấy vấn đề sau:
Một là, đánh giá đúng thực tế bài thầu, tức là kiểm tra kỹ các khối lượng, thông số kỹ thuật của nguyên vật liệu trong báo giá. Việc so sánh nhà thầu chỉ đảm bảo khách quan khi các giải pháp và nguyên vật liệu của các bên tương đương nhau, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, hiệu năng và độ bền của nhà máy.
Hai là, tìm hiểu kỹ quy trình thực hiện dự án của nhà thầu. Chủ đầu tư nên trực tiếp khảo sát các công trình mà nhà thầu đã và đang thực hiện, để tìm hiểu thực tế chất lượng thi công cũng như quy trình thực hiện dự án của nhà thầu. Các nhà thầu chất lượng sẽ có quy trình chặt chẽ, đảm bảo kiểm soát chất lượng và tài chính theo đúng cam kết với chủ đầu tư.
Ba là, nắm rõ các quy chuẩn, quy định mới nhất của chính phủ Việt Nam. Trong 1-2 năm trở lại đây, Luật Xây dựng, Luật PCCC và các Quy định về xây dựng công nghiệp tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi, cả về yêu cầu thiết kế - quy hoạch lẫn quy chuẩn về vật liệu. Việc chủ động tìm hiểu các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra bài thầu phù hợp, đồng thời đánh giá đúng các giải pháp, nguyên vật liệu mà nhà thầu đề xuất, đảm bảo tính pháp lý để có thể nghiệm thu nhà máy theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!