Góc nhìn chuyên gia 12/02/2023, 23:43

Những điểm cần lưu ý khi đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam 2022

Tiếp nối phần trước “Hậu COVID-19: những cái "bẫy giá rẻ" mà nhà đầu tư cần lưu ý”, chúng tôi tiếp tục có cuộc trao đổi với anh Lê Khánh Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng DELCO về những thay đổi trong xây dựng nhà máy tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023.

Những điểm cần lưu ý khi đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam 2022

Các văn bản pháp lý mới về đầu tư tại Việt Nam mà nhà đầu tư cần biết

Thưa ông Mạnh, bên cạnh những lưu ý khi đánh giá báo giá mà ông đã chia sẻ kỳ trước, các nhà đầu tư cần quan tâm thêm các yếu tố nào khác để có kế hoạch đầu tư, xây dựng nhà máy tại Việt Nam hiệu quả?

Tôi nghĩ ngoài vấn đề hồ sơ thầu, nhà đầu tư cần chú ý đến giai đoạn Tư vấn dự án, vì đó là giai đoạn hình thành nền móng của cả một nhà máy. Các bên tư vấn tốt cho nhà đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư tiết kiệm được phần lớn thời gian, chi phí và cắt giảm các thủ tục hành chính; đồng thời giúp nhà đầu tư có một hình dung chính xác về thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật của nhà máy. Ngược lại, ở DELCO, tôi đã từng gặp nhiều dự án do tư vấn ban đầu không tốt, dẫn đến Nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn sau này khi làm các thủ tục thẩm định, thẩm tra với cơ quan nhà nước Việt Nam. 

Việc thuê thêm tư vấn tốt có làm tăng chi phí đầu tư xây dựng nhà máy không?

Không, tôi nghĩ là ngược lại. Nhiều nhà đầu tư quan niệm đơn vị tư vấn chỉ giúp họ làm thủ tục đăng ký đầu tư, thành lập nhà máy giai đoạn đầu. Nhưng thật ra, chính hồ sơ mà đơn vị tư vấn đó đề xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thiết kế, làm thủ tục thẩm định, thẩm tra và xây dựng nhà máy sau này. Tôi lấy ví dụ, không phải nhà máy nào cũng cần làm Báo cáo đánh giá tác động môi trường, có những nhà máy quy mô nhỏ chỉ cần làm Kế hoạch bảo vệ môi trường. Thủ tục thứ hai đơn giản hơn rất nhiều, không chỉ tiết kiệm thời gian làm thủ tục cho nhà đầu tư, mà còn tiết kiệm rất nhiều chi phí thi công sau này. Đơn vị tư vấn cần phải nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật Việt Nam, tư vấn đúng cho nhà đầu tư, chứ không chỉ mang tính thủ tục, giấy tờ. 

Hoặc một trường hợp khác, khi xây dựng nhà máy ở Khu công nghiệp, hầu như các nhà máy chỉ cần đảm bảo nước thải đầu ra loại B, sau đó nước thải sẽ được tiếp tục xử lý ở khu vực xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp. Nhưng nếu nhà đầu tư lựa chọn xây dựng nhà máy trên đất ngoài khu công nghiệp, nước thải đầu ra thải trực tiếp ra môi trường thì cần được xử lý để đạt loại A mới đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Đơn vị tư vấn cần có các tính toán, đề xuất phù hợp cho nhà đầu tư, giúp họ có ngân sách, kế hoạch đầu tư phù hợp, nếu không sẽ khiến nhà đầu tư gặp rắc rối về pháp lý sau này. 

Hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy

Nhân nói đến pháp lý và các tiêu chuẩn Việt Nam, ông có thể chia sẻ thêm các quy định, quy chuẩn về thiết kế, xây dựng nhà máy tại Việt Nam có thay đổi gì với giai đoạn trước Covid (năm 2019) không?

Giai đoạn 2020 - 2022, Việt Nam đang cập nhật khá nhiều quy định mới liên quan đến việc xây dựng nhà xưởng, nhà máy. Đối với các nhà đầu tư đang có kế hoạch xây dựng nhà máy, công trình công nghiệp tại Việt Nam, tôi khuyên họ nên nghiên cứu kĩ các văn bản pháp lý mới dưới đây:

  • QCVN 06:2020/BXD – Quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình - có hiệu lực từ 01/07/2020; thay thế cho QCVN 06:2010/BXD. QCVN 06:2020/BXD có nhiều cập nhật quan trọng liên quan đến phạm vi áp dụng của quy chuẩn và quy định về an toàn cháy cho nhóm Nhà công nghiệp (nhà máy, nhà xưởng sản xuất, nhà kho nguyên vật liệu…).
  • QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, ban hành kèm theo thông tư hướng dẫn số 01/2021/TT-BXD. QCVN 01:2021/BXD có nhiều thay đổi liên quan đến quy định về mật độ xây dựng thuần và mật độ xây dựng, định nghĩa lại mật độ xây dựng thuần cũng như mật độ xây dựng không phụ thuộc vào chiều cao công trình. Đây là điểm mới quan trọng, giúp nhà đầu tư tận dụng quỹ đất bằng cách nâng số sàn xây dựng (nâng lên nhà máy 2 tầng hoặc nhà máy 3 tầng để tối ưu hệ số sử dụng đất). 
  • Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ 01/01/2022, có nhiều thay đổi về tiêu chí phân loại các dự án đầu tư và các bộ ban ngành có thẩm quyền cấp giấy phép, thẩm định báo cáo tác động môi trường.

Vậy các quy định, pháp lý áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2022 có gì thay đổi không?

Theo tôi được biết thì Luật đầu tư của Việt Nam cũng có một số thay đổi, hiện nay đang áp dụng Luật đầu tư 2020. Nhà đầu tư có thể tham khảo thêm về các ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư, các dự án đầu tư được ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt… để được hưởng các ưu đãi tốt nhất từ chính phủ Việt Nam. 

Ngoài ra, trong Luật cũng bổ sung danh mục ngành, nghề hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài; thay đổi tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư, cập nhật liên quan đến thủ tục hành chính khi nộp hồ sơ dự án đầu tư… Các nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào Việt Nam sau thời gian dài bị gián đoạn do Covid-19 nên đọc kĩ văn bản này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nhà xưởng nhiều tầng, tối ưu logistic và ứng dụng công nghệ thông minh sẽ là những xu hướng tất yếu

Ông có dự đoán gì về xu hướng thiết kế - xây dựng nhà máy tại Việt Nam trong thời gian sắp tới?

Tôi nghĩ các nhà đầu tư sẽ ngày càng quan tâm và tìm cách tối ưu chi phí vận tải (logistic) tại Việt Nam. Giá xăng dầu tăng nhanh kéo theo chi phí vận chuyển nội địa tại Việt Nam tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và cấu thành chi phí sản phẩm. Chính vì vậy, các nhà đầu tư sẽ ngày càng quan tâm đến yếu tố này khi lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy.

Ngoài ra, xu hướng xây dựng nhà máy 2 tầng, nhà máy 3 tầng cũng trở nên phổ biến hơn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Việc xây dựng nhà máy nhiều tầng không chỉ giúp nhà đầu tư nâng hiệu suất sử dụng đất, giảm chi phí trên mỗi m² sàn xây dựng, mà còn giúp ban quản lý các khu công nghiệp tối ưu quỹ đất hợp lý.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều nhà đầu tư mong muốn sử dụng các giải pháp vật liệu bền vững, thay thế cho các loại vật liệu xây dựng truyền thống. Các loại vật liệu xây dựng xanh có đặc điểm vòng đời sử dụng lâu dài, có khả năng tái chế, giúp tiết kiệm năng lượng/nhiên liệu từ đó tiết kiệm chi phí vận hành nhà máy.

Cuối cùng, tôi nhận thấy các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng nhà máy, đặc biệt là đối với hệ thống cơ điệp (MEP). Lý do là vì, các thiết bị công nghệ và hệ thống nhà máy thông minh giúp nhà đầu tư theo dõi và tối ưu chi phí nhiên liệu, tối ưu quy trình và hoạt động sản xuất… từ đó giúp họ tiết kiệm chi phí vận hành, thậm chí tiết kiệm thời gian và chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D).

Các thay đổi cả về quy định pháp lý lẫn nhu cầu của thị trường mang đến những khó khăn hay thuận lợi gì cho ông và doanh nghiệp của mình (DELCO)?

Khó khăn chủ yếu đến từ áp lực cạnh tranh của thị trường. Ngành xây dựng nhà máy tại Việt Nam đang có rất nhiều cái tên mới nổi, vì vậy muốn thắng thầu, chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn, ứng dụng thêm công nghệ cho nhà đầu tư và cho chính quy trình quản lý của DELCO, để tăng hiệu suất công việc. Chúng tôi phải nỗ lực không ngừng nghiên cứu, sáng tạo thì mới có thể tồn tại và cạnh tranh được. 

Mặt khác, DELCO cũng có nhiều thuận lợi nhờ các thay đổi về pháp lý và tầm nhìn của nhà đầu tư. Trong suốt 15 năm phát triển, chúng tôi luôn nhắm đến mục tiêu xây dựng các nhà máy phát triển bền vững; các hệ thống phòng cháy chữa cháy, xử lý nước thải… chúng tôi luôn tư vấn và thiết kế với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn cho người lao động và thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất khi xảy ra sự cố… Tuy nhiên giai đoạn 5-7 năm về trước, Việt Nam chưa có quy định chi tiết về vấn đề này, khiến DELCO phải cạnh tranh với một số nhà đầu tư giá rẻ, chất lượng công trình không cao. Đến nay, khi các cơ quan ban ngành của Việt Nam đưa ra các quy định pháp lý rõ ràng hơn, chúng tôi mừng vì những giá trị mà DELCO theo đuổi đã trở nên phổ biến. Và hy vọng điều đó sẽ giúp chúng tôi cạnh tranh trong một sân chơi công bằng hơn!

Hệ thống phòng cháy chữa cháy trong nhà máy

Ông có điều chỉnh gì về chiến lược phát triển của DELCO để tăng khả năng cạnh tranh không?

Chúng tôi vẫn đi trên con đường đó thôi. Tôi tâm niệm, chỉ cần nỗ lực làm những điều tốt nhất cho khách hàng, sẽ luôn có những người hiểu và muốn đồng hành với mình. Chiến lược cạnh tranh của chúng tôi suốt 15 năm qua chỉ xoay quanh tôn chỉ đó. 

Nếu có thay đổi trong giai đoạn sắp tới, thì chủ yếu là các chương trình tuyển dụng và đào tạo, cập nhật các giải pháp, công nghệ mới cho thế hệ nhân sự kế cận của DELCO. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng áp dụng các biện pháp thi công và phương án quản lý dự án mới, giúp tối ưu chi phí hơn nữa cho nhà đầu tư mà vẫn đảm bảo chất lượng và yêu cầu pháp lý.  Khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, thì chuyên nghiệp hóa là phương án cạnh tranh duy nhất!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! 

Chia sẻ

Đăng ký nhận thêm thông tin