Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế châu Âu có thể sẽ tránh được suy thoái và đi tới kịch bản "hạ cánh mềm".

Theo IMF, nền kinh tế châu Âu hiện tại vẫn sẽ khó có thể sụp đổ dù cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Việc mức thu nhập của người dân châu Âu vẫn tăng ổn định đang là động lực để phục hồi nền kinh tế của khu vực này. Dù vậy IMF cũng cảnh báo điều này cũng sẽ đi kèm rủi ro lạm phát gia tăng nhất là khi tiền lương tăng không đi kém với năng suất lao động tăng.
Đưa ra những dự báo khả quan hơn cho nền kinh tế châu Âu nhưng IMF cho rằng khu vực này vẫn sẽ còn nhiều việc phải làm trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo IMF, châu Âu vẫn sẽ phải mất thêm một vài năm nữa để có thể đưa tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu 2% mà ECB đang hướng tới.
Trước đó IMF cũng đã cảnh báo châu Âu không nên lạc quan quá sớm dù cho tỷ lệ lạm phát tại khu vực này đang có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh. IMF cho rằng việc đánh giá thấp những tác động tiêu cực mà tình trạng lạm phát dai dẳng mang lại có thể sẽ mang tới những hậu quả đau đớn. Điều này dẫn tới việc ECB sẽ phải tiếp tục có những đợt tăng lãi suất khác và cướp đi rất nhiều động lực để nền kinh tế có thể tăng trưởng trở lại. Trong tháng 10 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại châu Âu đã giảm xuống mức 2,9% sau khi lên tới 10,6% vào tháng 10 năm 2022.
Dự báo nền kinh tế châu Âu có thể "hạ cánh mềm" nhưng IMF cũng cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế của châu Âu hiện tại vẫn là khá bấp bênh và mọi kịch bản vẫn đều có thể xảy ra. IMF cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế châu Âu trong năm nay bao gồm Anh, Thụy Sĩ và các nước thuộc Liên minh châu Âu sẽ ở mức 1,3% và tăng lên mức 1,5% trong năm sau. Với khu vực Eurozone, mức tăng trưởng kinh tế được dự báo cho năm nay là 0,7% và cho năm sau là 1,2%.
Các chuyên gia nhận định nếu lạm phát tại châu Âu tiếp tục giảm mạnh hơn dự kiến, thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng khu vực này có thể sẽ được cải thiện qua đó là động lực để phát triển kinh tế. Dù vậy tác động tới từ những cuộc xung đột như Nga – Ukraine hay Israel – Hamas có thể cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của châu Âu.