Giới thiệu doanh nghiệp 12/10/2022, 18:21

Quản trị nguồn vốn hiệu quả - Chìa khóa giúp doanh nghiệp vững mạnh

Bài viết lần này xin phép gửi tới độc giả nội dung chia sẻ đặc biệt từ Công ty TNHH Tư vấn Tài chính MBFC (dưới đây gọi tắt là MBFC) về một trong những vấn đề cốt lõi luôn được các nhà điều hành doanh nghiệp quan tâm – “Các nguồn vốn chính dùng cho vận hành doanh nghiệp”. Đây là nội dung được Ms. Nguyễn Thị Phương Hoa - giám đốc MBFC đúc kết ngắn gọn, dễ hiểu qua quá trình hơn 20 năm tư vấn và đào tạo tài chính cho các đơn vị tại Việt Nam.

Quản trị nguồn vốn hiệu quả - Chìa khóa giúp doanh nghiệp vững mạnh

Từ khi doanh nghiệp (DN) được thành lập cho đến khi phát triển tới quy mô lớn như mô hình tập đoàn thường trải qua 3 thời kỳ DN nhỏ, DN vừa và DN lớn, và nguồn vốn để kinh doanh và phát triển trong các thời kỳ khác nhau này luôn là vấn đề chính mà chủ DN hay ban quản trị điều hành công ty thường xuyên trăn trở. Khi DN còn nhỏ, nguồn vốn chủ yếu được sử dụng là vốn chủ sở hữu và nguồn vốn vay ngân hàng hoặc tận dụng nguồn lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư. Khi DN ở mức vừa thì bắt đầu mở rộng kinh doanh và nguồn vốn tăng theo quy mô, phần lớn vốn này sẽ là đi vay để thực hiện dự án, điều này làm chi phí tài chính tăng cao và nguy cơ rủi ro nhiều hơn. Để huy động vốn một cách hiệu quả, giảm được chi phí vốn, các công ty sẽ bắt đầu huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO), tiếp cận nguồn vốn ngoài thị trường của các nhà đầu tư. Việc này sẽ giúp cho các công ty có đủ vốn để làm các dự án lớn hơn, đặc biệt các dự án quy mô từ 300 tỷ VND (tương đương 15 triệu USD) trở lên.

Các nguồn vốn chủ yếu có thể được khái quát như sau:

  1. Nguồn vốn từ chủ doanh nghiệp (hay còn gọi nguồn vốn tự có): do các cổ đông sáng lập đóng góp để cùng nhau phát triển kinh doanh.
  2. Nguồn vốn đi vay: là các khoản vay ngân hàng, vay bạn bè, vay người thân, hoặc các khoản vay từ các cá nhân khác, các nguồn vay này thường phải trả một mức lãi suất nhất định. Chi phí để chi trả lãi này còn gọi là chi phí tài chính. Một số ngân hàng nhà nước hiện đang cấp vốn cho các dự án lớn nằm trong danh sách các ngành được nhà nước khuyến khích phát triển sẽ được hưởng lãi suất thấp dưới 6.5%. Một số các hợp đồng mở L/C ngân hàng có thời hạn thanh toán nợ lên đến 7 tháng cũng là một nguồn vốn luân chuyển nếu DN biết tận dụng, song song với việc cân đối toàn bộ hàng tồn kho và luân chuyển vòng quay hàng tồn kho tối ưu. Khi đó việc sử dụng vốn vay sẽ hiệu quả hơn và chi phí tài chính giảm thiểu đáng kể.
  3. Nguồn vốn chiếm dụng từ các nhà cung cấp: thường là chiếm dụng trong ngắn hạn dưới 1 năm, thường dùng cho các công ty thương mại hoặc nhập khẩu, đặc biệt các DN nhập khẩu từ nước ngoài thường xin được hạn mức công nợ rất lớn, nếu biết cách đàm phán với nhà cung cấp nước ngoài thì đây cũng là một nguồn vốn cho DN sử dụng lâu dài. Đối với một số DN xây dựng, thường chủ đầu tư sẽ chiếm dụng vốn của các nhà thầu trong dài hạn (thường hơn 1 năm vì các công trình kéo dài 2 đến 3 năm mới hoàn thành).
  4. Phát hành cổ phiếu, trái phiếu: Khi DN mở rộng quy mô sản xuất hay thiếu vốn cho các dự án lớn, nếu đi vay thì lãi suất cao nên có thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phần, cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Một số DN thu hút vốn bằng cách phát hành trái phiếu để huy động vốn với mức chi trả lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm của ngân hàng.
  5. Nguồn vốn huy động từ các tổ chức tài chính hay tổ chức đầu tư, cũng như các công ty liên doanh, liên kết muốn tham gia dự án hay mua một phần dự án: Nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ việc phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ nhất định sau khi dự án hoàn thành.
  6. Nguồn vốn tái đầu tư từ lợi nhuận kinh doanh: Các DN sẽ trích một phần lợi nhuận kinh doanh để tái đầu tư vào hoạt động hiện tại hoặc thực hiện các dự án mới.
  7. Thuê tài sản (thuê tài chính): Khi DN có nguồn vốn ít nhưng đang có các những đơn hàng sản xuất lớn và lâu dài thì có thể đi thuê tài chính để đảm bảo sản xuất. Lợi nhuận thu về của hoạt động này sẽ dùng để bù đắp chi phí trả cho công ty cho thuê tài chính, và sau một thời gian chính tài sản đi thuê này sẽ thành tài sản của công ty.

Tùy vào loại hình và quy mô công ty, cũng như chiến lược tài chính và tầm nhìn của công ty tại mỗi thời điểm mà các DN lại có cách thức sử dụng vốn khác nhau. Đây là một trong những thách thức đối với DN, đặc biệt đối với các doanh nhân tự khởi nghiệp, chưa đủ kiến thức về quản trị tài chính và phải tự đối mặt với nhiều rủi ro khi đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến tài chính của công ty mình. Nếu DN không vận dụng nguồn vốn một cách đúng đắn thì sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Nguồn vốn là dòng máu nuôi dưỡng DN và nếu thiếu trong khoảng thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng DN phải bán nợ hoặc phá sản.

Ví dụ về cách thức sử dụng vốn của một số loại hình doanh nghiệp hiện nay có thể kể đến như sau:

Công ty thương mại: Các công ty thương mại về hàng tiêu dùng có quy mô từ 50 tỷ ~ 500 tỷ (khoảng 2.5~25 triệu USD) tại Việt Nam hiện nay đa phần dùng vốn vay ngân hàng và vốn vay ngắn hạn phục vụ chủ yếu cho việc luân chuyển vốn lưu động, việc thu tiền bán hàng và nhập hàng đều đặn với vòng quay bán hàng ngắn, kết hợp với việc mở L/C nhập hàng với lãi suất thấp khoảng 6% và thời gian thanh toán dài lên đến 7 tháng nên các DN này có thể sử dụng nguồn vốn rất hiệu quả, linh hoạt.

Công ty sản xuất nhỏ và vừa: Sử dụng vốn vay ngân hàng bằng việc thế chấp nhà máy, đất đai nhà xưởng để có vốn cho đầu tư cơ sở sản xuất và thường là vay trung và dài hạn. Ngoài ra, DN còn sử dụng vốn vay ngắn hạn để vừa phục vụ sản xuất vừa có chi phí marketing, chi phí bán hàng. Việc vay vốn ngân hàng sẽ cần tài sản thế chấp nên sẽ là khó khăn cho DN, khi quy mô còn nhỏ và chưa có doanh số đủ lớn để bù đắp chi phí. Một số DN đang kêu gọi vốn bằng hình thức hợp tác liên doanh với các DN khác trong nước hoặc đối tác nước ngoài (phía DN góp vốn bằng đất đai, nhà xưởng, trang thiết bị và thực hiện quá trình sản xuất; phía đối tác góp vốn bằng tài lực, công nghệ, chỉ đạo kỹ thuật… Một số trường hợp đối tác sẽ đảm nhiệm luôn khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra).

Các doanh nghiệp có vốn nhà nước: Nhiều DN sản xuất lớn trước đây thuộc sở hữu Nhà nước nay đã cổ phần hóa, có sẵn cơ sở sản xuất, đội ngũ nhân sự lâu năm, các đơn hàng xuất khẩu truyền thống với nguồn thu tương đối ổn định. Các DN này phát hành thêm cổ phần huy động vốn đầu tư và mở rộng sản xuất nên thường sẽ rất phát triển. Đặc biệt các DN không đầu tư ngoài ngành chính có sự phát triển bền vững trong 15 năm qua. Họ chủ yếu sử dụng vốn từ lợi nhuận tái đầu tư hoặc vốn huy động, mà không sử dụng nhiều vốn vay, do vậy ít chịu áp lực về chi phí tài chính, từ đó có được lợi nhuận tốt.

Với những ngành đặc thù sản xuất như Thủy điện cũng phần lớn sử dụng vốn vay dài hạn để xây dựng và trả gốc lãi trong vòng 9~12 năm, đến khi công trình vận hành thì gần như không dùng đến vốn vay nữa. Ngoài ra trong hơn 20 năm qua, ngành này được nhà nước hỗ trợ bằng nhiều chính sách ưu đãi, do vậy được vay với lãi suất thấp giúp tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng.

Các công ty kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản: đa phần tận dụng tối đa cả 2 nguồn vốn là vốn vay ngân hàng để xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn phát hành thêm cổ phần và/hoặc phát hành thêm trái phiếu để huy động vốn cho dự án. Ngoài ra, một nguồn vốn quan trọng nữa với các DN là doanh thu bán hàng đóng theo từng giai đoạn của dự án (mô hình áp dụng tại hầu hết các dự án nhà ở như chung cư, nhà liền kề, căn hộ nghỉ dưỡng…).

Các công ty nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam: đa phần có quan hệ mật thiết về nguồn vốn với công ty mẹ. Gần như 100% chi phí dùng để đầu tư xây dựng nhà máy và vận hành sản xuất ban đầu, cũng như chiến lược phát triển thị trường, chi phí marketing… do công ty mẹ cung cấp hoặc ra quyết định chi phối. Tuy nhiên, cũng có DN tận dụng thêm một phần vốn vay ngân hàng trong nước với mục đích sử dụng như là vốn lưu động nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại chỗ.

Trên đây là những kiến thức cơ bản đầu tiên về tài chính mà MBFC tổng hợp ngắn gọn gửi tới các DN. Nắm vững kiến thức tài chính sẽ giúp ban lãnh đạo DN và phòng kế toán quản trị nguồn vốn cũng như các chi phí khác một cách hiệu quả, từ đó giúp tối ưu hóa lợi nhuận. 

Về tác giả: Ms. Nguyễn Thị Phương Hoa – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Tài chính MBFC

Tốt nghiệp Master in Economics of Banking and Corporate Track tại trường USCP Europe Business School và trường Dauphine Universite Paris, có kinh nghiệm 20 năm kiểm soát và vận hành hệ thống tài chính kế toán trong các doanh nghiệp lớn, từng giữ vị trí CFO tại các tập đoàn lớn có quy mô doanh thu hàng nghìn tỷ đồng trong các lĩnh vực: sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng, các dự án nhà nước, xây dựng, thủy điện, bất động sản…

MBFC FINANCIAL CONSULTANT CO.,LTD

Room 603, 101 Lang Ha, Dong Da, Hanoi

Tel: 024 351 45866/082 979 3366 Website: mbfc.vn  Email: taichinhmbfc@gmail.com

Chia sẻ

Đăng ký nhận thêm thông tin