Ngành công nghiệp của Việt Nam đang tiếp tục duy trì được đà hồi phục tích cực.
Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của nước ta trong 7 tháng năm nay ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 9,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.
Tính riêng trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp của nước ta tăng 0,7% so với tháng 6 và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng của năm nay, một số số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,7%; sản xuất giường tủ, bàn, ghế tăng 21,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 17,3%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 17,2%; khai thác quặng kim loại tăng 15,0%...
Ở chiều ngược lại, một số ngành chứng kiến chỉ số IIP giảm trong 7 tháng năm nay có thể kể đến: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 2,9%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,8%.
Trong 7 tháng của năm nay, IIP tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước trong quãng thời gian nói trên là: Lai Châu tăng 43,1%; Phú Thọ tăng 38,4%; Bắc Giang tăng 27,5%; Bình Phước tăng 17,1% hay Thanh Hóa tăng 15,1%. Ngược lại, những địa phương có chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước là: Cà Mau tăng 1,5%; Gia Lai tăng 0,3%; Hà Tĩnh giảm 8,0% hay Quảng Ngãi giảm 4,2%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tại thời điểm 1/7/2024, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm trước.
Theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), sản xuất công nghiệp đang tiếp tục cho thấy sự khởi sắc để tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Dù vậy, ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp khó lường, căng thẳng địa chính trị, canh tranh trong nước ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm hay rủi ro chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu. Do đó, vẫn sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ, dài hạn và vững chắc để đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững cho các ngành công nghiệp.