Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây thông báo sẽ trợ cấp Intel số tiền khổng lồ lên tới 20 tỷ USD dưới nhiều hình thức để thúc đẩy khả năng sản xuất chip trong nước.
Theo đó Intel sẽ nhận được khoản tài trợ 8,5 tỷ USD và khoản vay lên tới 11 tỷ USD để phát triển hoạt động sản xuất của mình tại Mỹ. Khoản trợ cấp này thuộc khuôn khổ Đạo luật Chips và Khoa học được Tổng thống Mỹ Biden ký ban hành vào năm 2022. Đạo luật này bao gồm một quỹ trợ cấp với số tiền lên tới 52,7 tỷ USD để hướng tới mục tiêu phát triển khả năng sản xuất bán dẫn của Mỹ.
Intel từ lâu là một trong những những trụ cột trong ngành bán dẫn của Mỹ khi mà những con chip của hãng này được sử dụng cực kỳ rộng rãi cho các máy tính cá nhân và trung tâm dữ liệu. Trong những năm gần đây, vị thế của Intel có phần đi xuống với sự nổi lên của nhiều cái tên như NVIDIA, AMD, Qualcomm hay đặc biệt là TSMC – cái tên đang thống trị ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn. Đó lý do khiến cho Intel được kỳ vọng sẽ là một trong những cái tên được hưởng lợi nhiều nhất từ Đạo luật Chips và Khoa học để có thể duy trì khả năng cạnh tranh của mình.
Intel cho biết họ sẽ dùng khoản tiền được trợ cấp từ Đạo luật để phát triển một loạt nhà máy và trung tâm nghiên cứu tại các bang Arizona, Ohio, New Mexico và Oregon. Trước đó tập đoàn này cũng đã thông báo sẽ đầu tư 100 tỷ USD để phát triển những nhà máy của mình trên đất Mỹ.
Theo Intel, nhà máy của họ tại bang Ohio sẽ tiêu tốn tới hơn 20 tỷ USD và dự kiến sẽ có thể bắt đầu hoạt động sản xuất từ năm 2027 hoặc 2028. Nhà máy này sẽ là một trọng tâm trong kế hoạch của Intel ở những năm tới khi là nơi sản xuất chip AI cho Intel và cho cả những công ty bán dẫn khác theo đơn đặt hàng.
Intel ngoài ra cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất tại các nhà máy của mình nằm tại bang Arizona và bang New Mexico. Theo Intel, những dự án của họ sẽ tạo ra thêm 20.000 việc làm trong quá trình xây dựng các nhà máy và 10.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất chip.
Đây là lúc mà Mỹ đang cho thấy tham vọng vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn với mục tiêu tăng thị phần chip tiên tiến lên 20% vào cuối thập kỷ này từ mức 0% như hiện nay. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cho biết GlobalFoundries, Microchip hay BAE Systems trước đó đều đã nhận được những khoản trợ cấp theo Đạo luật Chips và Khoa học. TSMC đang dự kiến cũng sẽ nhận được một khoản trợ cấp từ Đạo luật này để phát triển nhà máy tại bang Arizona. Đây sẽ là nơi sản xuất chip cho những tập đoàn lớn như Apple hay AMD.