Theo Bộ Thương mại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ tài trợ cho Samsung số tiền lên tới 6,4 tỷ USD để tập đoàn này mở rộng hoạt động sản xuất chip tại bang Texas.
Đây là khoản tài trợ nằm trong khuôn khổ Đạo luật Khoa học và CHIPS được ban hành năm 2022. Theo đó số tiền này sẽ được Samsung sử dụng để xây dựng 2 cơ sở sản xuất, 1 trung tâm nghiên cứu và một cơ sở đóng gói chip tiên tiến đều tại thành phố Taylor của bang Texas.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, khoản tài trợ này cũng sẽ giúp Samsung mở rộng một cơ sở sản xuất bán dẫn của họ nằm tại Austin – một thành phố khác của bang Texas. Với những khoản đầu tư lớn, Mỹ đang muốn tăng cường sản lượng sản xuất chip cho các lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng, ô tô cũng như tăng cường an ninh quốc gia. Theo bà Raimondo, những khoản đầu tư này không chỉ giúp Mỹ tiếp tục giữ vững vị thế hàng đầu thế giới trong ngành thiết kế bán dẫn mà còn giúp quốc gia này trở thành quốc gia hàng đầu ở các lĩnh vực đóng gói cũng như nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Nhà máy sản xuất chip mới đầu tiên của Samsung tại Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2026. Các nhà phân tích dự báo những nhà máy này có thể sẽ bắt đầu sản xuất thử nghiệm chip 4 nanomet và còn hướng tới mục tiêu sản xuất cả chip 2 nanomet.
Một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ Samsung cũng đang có kế hoạch nâng tổng vốn đầu tư vào Mỹ lên khoảng 45 tỷ USD và tiếp tục mở rộng những cơ sở sản xuất bán dẫn của mình tại Texas cho tới cuối thập kỷ này.
Như vậy Samsung sẽ là công ty nhận được khoản tài trợ lớn thứ 3 theo khuôn khổ Đạo luật Khoa học và CHIPS khi mà trước đó Chính phủ Mỹ cũng đã tài trợ 8,5 tỷ USD cho Intel và 6,6 tỷ USD cho TSMC để hướng tới mục tiêu đưa Mỹ trở lại với vị thế của quốc gia sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới. Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), thị phần sản xuất bán dẫn của Mỹ trên phạm vi toàn cầu đã giảm từ 37% xuống 12% từ năm 1990 tới năm 2020. Những khoản tài trợ lớn của Chính phủ Mỹ được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ giành lại vị thế thống trị trong ngành sản xuất bán dẫn vốn đang thuộc về một số quốc gia châu Á trong nhiều thập kỷ qua.