Theo tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình trong phiên họp cổ đông thường niên năm 2024 mới được diễn ra, ngành công nghiệp ô tô sẽ là một trong những ngành mà FPT ưu tiên hướng đến trong thời gian tới.
Phát biểu trong phiên họp nói trên, ông Bình cho biết FPT đang muốn “mua sạch” những công ty làm ô tô đặc biệt là những công ty liên quan tới thiết kế ô tô. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị của FPT, ngành ô tô toàn cầu hiện nay đang “rất lúng túng” khi mà những hãng xe truyền thống mang tính chất quá “cơ khí”, thiên nhiều về sản xuất linh kiện phần cứng trong khi những hãng xe điện thì “quá mềm” khi mà họ tập trung nhiều hơn vào phần mềm. Đây sẽ là cơ hội cho FPT trong ngành công nghiệp ô tô khi mà các hãng xe sẽ cần những công ty hiểu cả về ô tô và phần mềm để hỗ trợ họ.
Theo ông Bình, FPT có khả năng trong mảng này với khoảng 4.000 nhân sự. Dù vậy để có thể phát triển nhanh hơn, FPT đang muốn hướng tới giải pháp M&A (mua lại và sáp nhập doanh nghiệp).
Vào cuối năm ngoái, FPT cũng đã thành lập công ty FPT Automotive có trụ sở tại Texas, Mỹ để cung cấp các dịch vụ và sản phẩm phần mềm cho các nhà sản xuất ô tô. Mục tiêu của công ty này sẽ là đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030. Ngay sau khi thành lập công ty này cũng đã có tới 1.500 kỹ sư.
Trong những năm gần đây, FPT đang đi theo chiến lược M&A để đẩy nhanh quá trình thực hiện các hợp đồng lớn. Trong năm ngoái, tập đoàn này đã đầu tư vào 4 công ty công nghệ của Mỹ và Pháp như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS hay Landing AI. Trong năm nay, FPT cũng đã mua lại 100% vốn của công ty công nghệ Nhật Bản Next Advanced Communications.
Trong năm ngoái, FPT đạt doanh thu 1 tỷ USD từ dịch vụ công nghệ thông tin ở các thị trường nước ngoài. Trong năm nay, tập đoàn này đang đặt mục tiêu đạt doanh thủ 61.850 tỷ Đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 10.875 tỷ Đồng, tăng khoảng 18% so với năm ngoái. Trong năm nay, FPT cũng đang muốn tiếp tục theo đuổi chiến lược M&A khi họ sẽ nhắm tới những công ty của Hàn Quốc, Singapore hay châu Âu.
Ngoài Automotive, FPT cũng đang hướng mục tiêu mở rộng hoạt động ở các lĩnh vực bán dẫn, AI, Cloud hay Cybersecurity. Theo chia sẻ của Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Phương, FPT hiện đang có đơn đặt hàng 70 triệu chip cho tới năm 2025 để dự kiến mang về doanh thu 10 triệu USD. FPT dự kiến cũng sẽ chỉ thiết kế chip rồi sau đó thuê các nhà máy tại Đài Loan và Nhật Bản để sản xuất. Ông Phương cũng chia sẻ những con chip của FPT sẽ có giá thành không cao khi mà FPT sẽ làm chip đơn giản.