Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 4 vừa qua đã vượt mức 50 điểm theo số liệu mới được S&P Global công bố để cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất Việt Nam đã có dấu hiệu được cải thiện.
Theo đó PMI của ngành sản xuất Việt Nam đã tăng từ mức 49,9 điểm trong tháng 3 lên 50,3 điểm trong tháng 4. Theo S&P Global, nguyên nhân chính dẫn tới việc ngành sản xuất của Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng là do số lượng đơn hàng mới phục hồi mạnh mẽ để kéo theo hoạt động sản xuất phát triển.
Số đơn hàng mới trong tháng 4 đã tăng mạnh sau khi giảm nhẹ trong tháng trước và tốc độ tăng của số đơn hàng hàng mới trong tháng 4 cũng là nhanh nhất kể từ tháng 8/2022. Các chuyên gia nhận định sự tăng trưởng vững chắc của số đơn hàng mới trong tháng 4 cũng đã giúp cho sản lượng của ngành sản xuất tăng theo dù cho mức tăng không đáng kể.
Chi phí đầu vào trong tháng 4 vừa qua chỉ tăng nhẹ do giá dầu và giá chi phí vận chuyển gia tăng. Điều này khiến cho các công ty vẫn có thể giảm giá bán để thu hút thêm khách hàng trong khi không bị ảnh hưởng quá nhiều tới biên lợi nhuận. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp giá bán hàng suy giảm và là một yếu tố quan trọng để giúp số lượng đơn hàng mới tăng trở lại theo các chuyên gia.
Mặc dù số đơn hàng và sản lượng sản xuất tăng trong tháng 4 nhưng tình trạng nhu cầu yếu của thị trường đã khiến các công ty phải cắt giảm số việc làm lần đầu tiên trong 3 tháng khi mà nhiều công ty cho nghỉ các công nhân làm việc tạm thời. Việc số lượng đơn hàng mới phục hồi trong khi số lao động bị cắt giảm khiến các công ty gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hoàn thành đơn hàng đúng hạn. Điều này dẫn tới lượng công việc tồn đọng tăng lần đầu tiên sau 3 tháng dù mức tăng không phải quá cao.
Việc số lượng đơn hàng mới gia tăng cũng khiến cho hoạt động mua hàng tăng trở lại lần đầu tiên sau 6 tháng. Dù vậy mức độ tăng trưởng cũng vẫn tương đối nhẹ khi mà nhu cầu thị trường còn yếu khiến nhiều công ty vẫn lo ngại khi trữ hàng tồn kho.
Theo ông Andrew Harker – Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, việc số lượng đơn hàng mới tăng trở lại trong tháng 4 là một tín hiệu đáng khích lệ với ngành sản xuất Việt Nam sau quãng thời gian yếu kém. Mức độ tăng của số đơn hàng thậm chí khiến nhiều công ty tỏ ra bất ngờ khi họ đã cho nhiều công nhân nghỉ việc sau thời kỳ nhu cầu suy giảm và điều này đã khiến số lượng công việc tồn đọng gia tăng. Vì vậy, một số những công nhân được cho nghỉ có thể sẽ quay trở lại làm việc trong tương lai gần.
Số lượng đơn hàng đã gia tăng trong tháng vừa qua dù vậy tính chất lên xuống thất thường khiến cho nhiều công ty vẫn đang có sự lo lắng cho tương lai. Hy vọng trong những tháng tới môi trường kinh doanh sẽ ổn định hơn để giúp các nhà sản xuất có thể lập kế hoạch sản lượng và chuẩn bị nguồn lực hiệu quả.